Những người biểu tình chiều nay vượt qua hàng rào an ninh, xông vào Văn phòng Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, trèo lên sân thượng vẫy cờ, đốt pháo sáng, hô hào khẩu hiệu yêu cầu các lãnh đạo chính phủ từ chức ngay lập tức.
Cảnh sát và binh sĩ quân đội Sri Lanka đã dùng đến hơi cay và vòi rồng, nhưng vẫn không thể kiểm soát được đám đông đang chiếm Văn phòng Thủ tướng.
Biểu tình tại Sri Lanka gia tăng sau khi quân đội nước này xác nhận Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã rời quốc đảo sang Maldives. Lãnh đạo 73 tuổi này trước đó thông báo sẽ từ chức trong ngày 13/7 để mở đường "chuyển giao quyền lực trong hòa bình". Ông được cho là ra nước ngoài để tránh nguy cơ bị bắt giam sau khi từ chức.
"Do không ở trong nước, Tổng thống Rajapaksa nói với tôi rằng ông ấy đã bổ nhiệm Thủ tướng Ranil Wickremesinghe làm quyền tổng thống theo hiến pháp", Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardana phát biểu trên truyền hình hôm nay.
Theo Chủ tịch Quốc hội Abeywardana, Tổng thống Rajapaksa đã gọi điện và "đảm bảo sẽ gửi đơn xin từ chức cho ông trong hôm nay". "Tôi kêu gọi công chúng duy trì thái độ ôn hòa và đặt niềm tin vào quy trình do quốc hội đã vạch ra để bổ nhiệm tổng thống mới vào ngày 20/7", ông nói.
Ông Wickremesinghe nhậm chức Thủ tướng Sri Lanka hồi tháng 5, sau khi người tiền nhiệm Mahinda Rajapaksa, anh trai Tổng thống Rajapaksa, từ chức, động thái được cho là sự nhượng bộ của gia tộc Rajapaksa trước người biểu tình.
Wickremesinghe trở thành Thủ tướng khi Sri Lanka đang rơi vào khủng hoảng kinh tế, chính trị, với các cuộc biểu tình phản đối chính phủ từ ôn hòa dần chuyển sang bạo lực và lan ra khắp quốc đảo. Ông hôm 9/7 tuyên bố sẽ từ chức với điều kiện các đảng đoàn kết thành lập chính phủ mới.
Sau khi trở thành quyền tổng thống, ông Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và áp lệnh giới nghiêm ở tỉnh Miền Tây, bao gồm thủ đô Colombo, để kiểm soát tình trạng biểu tình đang có xu hướng gia tăng.
Theo quy định của hiến pháp Sri Lanka, khi Tổng thống Rajapaksa tuyên bố từ chức, Thủ tướng Wickremesinghe sẽ lên nắm quyền. Nếu ông Wickremesinghe cũng thực hiện cam kết từ chức đã đưa ra hôm 9/7, Chủ tịch Quốc hội sẽ trở thành tổng thống lâm thời trong khoảng một tháng, trong thời gian chờ quốc hội bầu tổng thống mới.
Người chiến thắng sẽ tiếp quản vị trí tổng thống hai năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông Rajapaksa, trước khi Sri Lanka tổ chức cuộc bầu cử chính thức tiếp theo
Sajith Premadasa, lãnh đạo đảng đối lập Samagi Jana Balawegaya, tuyên bố ông sẽ tranh cử tổng thống sau thất bại năm 2019 trước Rajapaksa. Premadasa là con trai cựu tổng thống Ranasinghe Premadasa, bị ám sát trong một vụ đánh bom hồi tháng 5/1993.
Người biểu tình kêu gọi Tổng thống Rajapaksa và Thủ tướng Wickremesinghe từ chức trước 13h00 (14h30 giờ Hà Nội), nhưng hạn chót đã trôi qua và chưa có thông báo chính thức nào từ hai lãnh đạo.
Theo phóng viên Step Vaessen của Al Jazeera tại hiện trường, người biểu tình cho biết nỗ lực của họ sẽ là "vô nghĩa" nếu ông Wickremesinghe vẫn đương chức.
Trong khi đó, một người đàn ông chưa rõ danh tính xông vào trường quay một chương trình đang phát sóng trực tiếp của kênh truyền hình quốc gia Rupavahini và yêu cầu chỉ được đưa thông tin liên quan diễn biến biểu tình. Kênh này lập tức cắt sóng trực tiếp và thay thế bằng một chương trình được ghi hình từ trước.
Các cuộc biểu tình ở Sri Lanka đã kéo dài suốt nhiều tháng và lên đỉnh điểm cuối tuần trước, khi hàng trăm nghìn người kiểm soát các tòa nhà chính phủ ở Colombo, xông vào phủ Tổng thống, buộc ông Rajapaksa phải sơ tán. Gia tộc Rajapaksa cùng đồng minh bị cáo buộc đã đưa ra những chính sách sai lầm, đẩy quốc đảo rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập vào năm 1948.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)