Theo CNN, ở Hong Kong, mặt nạ Joker trở thành biểu tượng có ý nghĩa, gây đồng cảm với một số người. "Họ được truyền cảm hứng từ nhân vật và bộ phim. Một số người chỉ ra rằng Gotham (thành phố trong phim) và Hong Kong đều là quê nhà của những người bất mãn, cảm thấy bị chính phủ và giới tinh hoa giàu có bỏ rơi", trang này viết. Cảnh người dân và cảnh sát đánh nhau ở trạm tàu điện, cảnh bạo loạn, phá hoại thành phố cuối phim cũng gây liên tưởng đến tình hình Hong Kong nhiều tháng qua.
* 'Joker' thành phim 18+ ăn khách nhất mọi thời
Joker là phim điện ảnh gây sốt toàn cầu trong tháng 10, xoay quanh ác nhân ăn vận giống chú hề. Ở Hong Kong, phim ra mắt chỉ một ngày trước khi chính phủ ban lệnh cấm đeo mặt nạ và đồ che mặt ở các cuộc tụ tập công cộng. Vài tuần sau đó, một số người dân phản kháng bằng cách che mặt xuống đường - trong đó có người chọn mặt nạ Joker (cả phiên bản của Joaquin Phoenix trong Joker và Heath Ledger trong The Dark Knight).
"Sau hôm nay, Hong Kong cần Joker", "Joker là biểu tượng phản kháng và lãnh đạo tinh thần của phong trào" là một số ý kiến trên LIHKG - diễn đàn lớn của Hong Kong. Người khác so sánh Carrie Lam - trưởng đặc khu Hong Kong - với Thomas Wayne, tỷ phú trong phim, đều bị cho là xa rời công chúng.
Trên trang cá nhân, nhiếp ảnh gia Deacon Lui đăng ảnh hóa trang giống Joker, đưa đầu khỏi cửa sổ xe cùng thông điệp: "Do chính tôi, hay thế giới ngoài kia đang điên rồ hơn?" (câu nói của nhân vật). Bài đăng của anh được hơn 14.000 lượt thích trên Instagram.
Tuy nhiên, nhiều người Hong Kong không muốn Joker đại diện phong trào. Ở một bài được nhiều tán đồng trên LIHKG, tác giả khen phim nhưng nói nó không phù hợp để so với tình hình Hong Kong: "Tôi hy vọng mọi người đừng dùng Joker để mô tả Hong Kong vì nó chỉ mang lại kết quả tiêu cực, cả về truyền thông toàn cầu lẫn khía cạnh cá nhân".
Sinh viên Kimmy Woo chia sẻ với CNN: "Cuối phim, những kẻ đeo mặt nạ giết tỷ phú Thomas Wayne và vợ. Mọi người hào hứng, nghĩ họ đã làm đúng. Nhưng chúng tôi không thể làm thế. Nếu mọi người làm giống Joker, Hong Kong sẽ gặp thảm họa".
Cây viết Jessie Yeung của trang này nhận định đa phần người biểu tình Hong Kong xem bản thân là các chiến binh vì tự do chứ không phải tội phạm hay kẻ phá hoại giống phim. "Joker tìm thấy niềm vui khi gây hỗn loạn. Còn người biểu tình Hong Kong nghĩ mình bị ép phải tranh đấu do chính phủ thờ ơ", cô viết.
Hong Kong không phải nơi duy nhất người biểu tình đóng giả Joker. Theo France24, ở Lebanon, trong cuộc diễu hành chống tham nhũng và giới tinh hoa chính trị ngày 23/10, nhiều người vẽ mặt giống nhân vật. Một nhóm nghệ sĩ graffiti thuộc nhóm Ashekm vẽ bức ảnh lớn về Joker đang cầm bom xăng (Molotov cocktail).
Ở Los Ángeles (Chile), người dân viết dưới chân một bức tượng: "Chúng tôi đều là hề" (một câu trong phim) trong cuộc biểu tình ngày 25/10 - lúc một triệu người Chile xuống đường đòi cải cách kinh tế và Tổng thống Sebastian Pinera ra đi.
Đây không phải lần đầu một phim điện ảnh tạo trào lưu liên quan đến chính trị đời thật. Năm 2018, phim Black Panther - kể về siêu anh hùng châu Phi - cổ vũ niềm kiêu hãnh của người da đen, ảnh hưởng lớn đến văn hóa đại chúng.
Ân Nguyễn