Sau hơn một ngày mắc kẹt, hàng chục người biểu tình tối 18/11 đã thoát ra bằng cách đu dây thừng từ cầu vượt cạnh Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) xuống một đường cao tốc, nơi những người đi xe môtô đã chờ sẵn để đón họ. Trong một nỗ lực phối hợp rõ ràng, hàng nghìn người chạy về phía khuôn viên PolyU để phá vỡ vòng vây, trong khi các cuộc đụng độ đồng loạt nổ ra với cảnh sát gần đó ở khu Cửu Long.
Cảnh sát vẫn bao vây bên ngoài và phong tỏa các con đường xung quanh PolyU, kêu gọi người biểu tình buông vũ khí, ra ngoài đầu hàng.
Đêm qua và rạng sáng nay, nhiều quan chức chính trị và giáo dục ở Hong Kong đã đạt thỏa thuận với cảnh sát để người biểu tình và tình nguyện viên trẻ được an toàn rời PolyU. Hơn 200 học sinh hoặc người biểu tình dưới 18 tuổi được trở về nhà sau khi cảnh sát kiểm tra căn cước và chụp lại ảnh của họ. Khoảng 100 người trên 18 tuổi cũng ra ngoài và bị bắt.
Những người biểu tình còn lại rút vào bên trong các tòa nhà, bao gồm nhà thi đấu. Nathan, 18 tuổi, một trong số những người rời PolyU sáng nay, ước tính khoảng 200 người vẫn còn bên trong.
"Chúng tôi nhiều lần cố gắng vượt qua hàng rào cảnh sát. Mỗi lần chúng tôi mất 50 người, rồi 100 người, cơ hội ra ngoài ngày càng mất dần", Nathan nói.
Trong khi đó, CNN dẫn lời Chủ tịch hội sinh viên PolyU Derek Liu ước tính khoảng 300 người vẫn còn trong khuôn viên. Cảnh sát bắn đạn cao su và hơi cay, trong khi xe chở nước phun thuốc nhuộm màu xanh đi vào khuôn viên trường.
Một nam sinh viên bên trong PolyU cho biết người biểu tình đang mắc kẹt. Họ chỉ còn đủ thực phẩm cho một hoặc hai ngày. Nhưng nếu ra ngoài họ sẽ bị bắt vì tội bạo loạn và có thể đối mặt mức án 10 năm tù.
Một nhóm cha mẹ có con bên trong trường ngồi bên ngoài suốt đêm, khóc khi bị cảnh sát từ chối cho vào.
Nhiều cuộc đụng độ tiếp tục xảy ra trên khắp Hong Kong. Khoảng 9h tối qua, cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su ở khu Jordan, gần PolyU, trong khi người biểu tình ném bom xăng và pháo sáng. Nhiều người trong số họ đến các quận gần PolyU để "cứu sinh viên" và hô "chúng tôi đang tới" trong lúc vượt qua làn hơi cay.
Văn phòng Giáo dục thành phố cho biết các trường tiểu học và trung học vẫn đóng cửa cho đến ngày 20/11, gần một tuần sau lệnh đình chỉ. Trường mẫu giáo và các trường dành cho trẻ em đặc biệt dự kiến đóng cửa hết tuần này.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam gần như không xuất hiện trước công chúng, trừ lần bà đến thăm một cảnh sát bị bắn tên trong cuộc đụng độ ở trường hôm 17/11. Trong bài đăng trên Facebook hôm qua, bà Lam gọi người biểu tình là "những kẻ bạo loạn", và kêu gọi họ "lắng nghe" cảnh sát.
Trong thông cáo đăng trên trang web Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC), tức quốc hội Trung Quốc hôm nay, Jian Tiewei, phát ngôn viên Ủy ban Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ NPC chỉ trích Tòa án Tối cao Hong Kong vượt quyền khi ra phán quyết bỏ lệnh cấm người biểu tình đeo mặt nạ, khẩu trang và sơn lên mặt.
"Phán quyết của Tòa án Tối cao Hong Kong đã làm suy yếu nghiêm trọng quyền lãnh đạo của Trưởng đặc khu Hong Kong và chính quyền đặc khu hành chính", Jian nói, khẳng định chỉ quốc hội Trung Quốc mới có quyền phán quyết liệu một luật có phù hợp với Luật cơ bản, tức tiểu hiến pháp của Hong Kong.
Tòa án Tối cao Hong Kong hôm 18/11 ra phán quyết rằng lệnh cấm người biểu tình đeo khẩu trang, mặt nạ mà chính quyền thành phố áp dụng từ ngày 5/10 là vi hiến, không phù hợp với Luật cơ bản ngay cả trong tình hình hỗn loạn hiện nay tại Hong Kong. Cảnh sát Hong Kong sau đó cho biết họ sẽ ngừng thực thi lệnh cấm trong lúc tòa tiếp tục xem xét kháng cáo.
Phát biểu tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Washington hôm 18/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Mỹ rất lo ngại về tình hình căng thẳng tại Hong Kong, kêu gọi chính quyền giải quyết những mối quan tâm của công chúng và điều tra độc lập các sự cố liên quan đến biểu tình. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng Trung Quốc phải tôn trọng cam kết với người dân Hong Kong và chính quyền thành phố có trách nhiệm mang lại sự ổn định.
Bộ Ngoại giao Anh ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về diễn biến tại Hong Kong, nói rằng điều quan trọng là người biểu tình bị thương được điều trị y tế và mở lối đi an toàn cho những người muốn rời khỏi khu vực. London cũng kêu gọi chấm dứt bạo lực và nối lại đối thoại chính trị trước cuộc bầu cử địa phương vào cuối tuần này.
400 thành viên dự kiến được chọn cho 18 hội đồng quận. Đây được cho là "nhiệt kế" quan trọng đối với ý kiến công chúng trước các cuộc biểu tình hiện nay. Thành viên hội đồng quận thực tế không có nhiều quyền lực, nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn đến cách chọn Hội đồng Lập pháp và trưởng đặc khu trong tương lai.
Chris Tang, 54 tuổi, người sáng nay nhậm chức Tư lệnh Cảnh sát thứ bảy kể từ khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc năm 1997, nói rằng lực lượng gồm 31.000 cảnh sát không thể tự chấm dứt tình trạng bất ổn xã hội chưa từng có của thành phố và cần sự hỗ trợ của người Hong Kong. Ông mong muốn người Hong Kong sẽ lên án bạo lực bởi sự im lặng và khoan dung chỉ khuyến khích những người cực đoan.
Kwok Ka-chuen, quan chức thuộc đơn vị quan hệ công chúng của cảnh sát, cho biết cảnh sát đã bắt tổng cộng 4.491 người kể từ khi biểu tình bùng phát đầu tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ, bao gồm 3.395 nam và 1.096 nữ, tuổi từ 11 đến 83, vì các tội danh liên quan đến bạo loạn, sở hữu vũ khí tấn công, đốt phá và tấn công cảnh sát. Cảnh sát đã sử dụng hơn 10.000 hộp hơi cay, 18 viên đạn thật.
Khoảng 1.700 người đã bị thương, trong đó có 450 sĩ quan. Riêng ngày chủ nhật, ít nhất 38 người bị thương trong cuộc đối đầu tại PolyU, theo giới chức bệnh viện Hong Kong. Hôm qua, số người bị thương tăng gấp ba, lên ít nhất 116.
Biểu tình bùng phát ở Hong Kong từ đầu tháng 6 ban đầu để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa tội phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Dù chính quyền đặc khu tuyên bố rút dự luật, người biểu tình vẫn xuống đường đưa ra các yêu sách khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát và lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam từ chức.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14/11 nói rằng tình trạng bất ổn ở Hong Kong "chà đạp nghiêm trọng thượng tôn pháp luật và trật tự xã hội", thách thức nguyên tắc cơ bản của mô hình một quốc gia, hai chế độ. Ông Tập khẳng định ngăn chặn bạo lực, kiểm soát bạo loạn và khôi phục trật tự là nhiệm vụ cấp bách đối với Hong Kong.
Huyền Lê (Theo AFP, SCMP, Reuters, Guardian)