Người biểu tình Hong Kong trong ba ngày liên tiếp từ 24/12 đến 26/12 tràn vào phá hoại các trung tâm thương mại khắp Hong Kong, buộc cảnh sát thành phố dùng hơi cay để trấn áp các phần tử quá khích.
Cuộc biểu tình kết thúc hôm 26/12, sau khi cảnh sát bắt tổng cộng 310 người, trong đó 165 người bị bắt vào đêm Giáng sinh. Người biểu tình tuyên bố sẽ quay lại đường phố để tuần hành quy mô lớn vào ngày 1/1, đúng dịp năm mới.
Tại trung tâm mua sắm Moko, những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu trong nhiều giờ. "Ngày 1/1, gặp nhau tại công viên Victoria", một trong những khẩu hiệu người biểu tình hô, đề cập tới kế hoạch xuống đường vào ngày đầu năm mới.
Người biểu tình hôm qua cũng xông vào các nhà hàng, quán cà phê thuộc sở hữu của các doanh nghiệp liên kết với Trung Quốc đại lục, trong đó có Urban Bakery và Pacific Coffee, khiến khách hàng phải rời đi.
Quản lý một cửa hàng trang sức ở Harbor City, nơi người biểu tình tụ tập trong những ngày qua, cho biết doanh số cửa hàng năm nay giảm 50% so với Giáng sinh năm ngoái, đồng thời bày tỏ lo lắng về tình hình kinh doanh trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán sắp tới.
Yeung Wai-sing, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý Dịch vụ Ăn uống Hong Kong, cho biết dịch vụ buffet tại các khách sạn trong mùa lễ hội đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi biểu tình. Số khách du lịch từ Trung Quốc đại lục đến Hong Kong giảm trung bình 10 đoàn/ngày trong Giáng sinh năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, theo Hội đồng Du lịch Hong Kong.
Biểu tình Hong Kong bùng phát từ tháng 6, ban đầu để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục.
Sau khi chính quyền Hong Kong rút dự luật, người biểu tình tiếp tục xuống đường đưa ra các yêu cầu khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát, tổ chức bầu cử dân chủ và Trưởng đặc khu Carrie Lam từ chức. Tuy nhiên, chính quyền đặc khu kiên quyết bác bỏ những yêu cầu này của người biểu tình.
Mai Lâm (Theo SCMP)