"Những người đội mũ trùm đầu mang theo thuốc nổ và tấm chắn đã chiếm đại sứ quán Venezuela ở Bolivia. Chúng tôi vẫn ổn và an toàn, nhưng họ muốn tiến hành một vụ thảm sát chống lại chúng tôi", Đại sứ Venezuela tại Bolivia Crisbeylee Gonzalez nói với hãng thông tấn nhà nước Bolivia ABI và hãng thông tấn Cuba Prensa Latina. "Hãy giúp chúng tôi trình báo về sự man rợ này".

Người dân ở thủ đô La Paz của Bolivia xuống đường ăn mừng sau khi tổng thống Morales tuyên bố từ chức hôm 10/11. Ảnh: Reuters.
Sự việc xảy ra sau khi tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố từ chức hôm 10/11 vì mất sự ủng hộ của quân đội và cảnh sát. Morales khẳng định "những thế lực hắc ám đã phá hủy nền dân chủ quốc gia", đề cập tới các đối thủ mà ông cáo buộc âm mưu đảo chính.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, một đồng minh của Morales, gọi diễn biến ở Bolivia là một cuộc đảo chính.
Bolivia là một trong những nước nghèo nhất Nam Mỹ vì tình trạng tham nhũng cao và hậu quả từ thời thực dân hóa. Tuy nhiên dưới thời Morales, kinh tế nước này phát triển ổn định, tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm. Năm 2006, Morales quốc hữu hóa các mỏ hydrocarbon của Bolivia, giúp vị thế của quốc gia Nam Mỹ này trở nên quan trọng.
Chính sách theo khuynh hướng chủ nghĩa xã hội của chính phủ Morales cũng thành công trong việc giảm tình trạng cực kỳ đói nghèo. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ ông sụt giảm trong những năm gần đây được cho là do cáo buộc Morales ưu đãi CAMC, một tập đoàn xây dựng Trung Quốc ở Bolivia do bạn gái cũ của ông nắm vị trí quan trọng. Moarales bác bỏ các cáo buộc.
Tình trạng bất ổn tại Bolivia bùng phát kể từ khi Morales tuyên bố đắc cử nhiệm kỳ thứ tư hôm 20/10. Phe đối lập cáo buộc có gian lận trong kết quả bầu cử, kêu gọi tổ chức bỏ phiếu lại. Hiện phe đối lập đã phát lệnh bắt Morales và đang truy tìm ông, song một quan chức cảnh sát cho biết chưa có lệnh bắt cựu tổng thống.
Năm 2006, Morales trở thành tổng thống bản địa đầu tiên của Bolivia. Ông đắc cử nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp trong cuộc bầu cử hồi tháng 10 sau khi tòa án hiến pháp quyết định bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống.
Việc sửa đổi hiến pháp đã gây tranh cãi lớn bởi trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, đa số người dân bỏ phiếu "không" trong việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ của lãnh đạo Bolivia. Tuy nhiên, đảng của Morales đã đưa vấn đề ra tòa án hiến pháp.
Huyền Lê (Theo AFP)