Quốc hội Indonesia ngày 22/8 mở phiên họp khẩn cấp để thảo luận về dự luật bầu cử cấp địa phương sửa đổi theo đề xuất từ nhóm nghị sĩ ủng hộ Tổng thống Joko Widodo và người sắp kế nhiệm ông, Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto.
Động thái lập tức vấp phải chỉ trích, khi nhiều người cho rằng dự luật thực chất là biện pháp cản đường ứng viên đối lập ở tỉnh Jakarta tham gia cuộc bầu cử địa phương vào tháng 11, đồng thời mở đường cho con trai út của ông Widodo tranh cử ở tỉnh Trung Java.
Hàng nghìn người biểu tình phản đối dự luật tràn xuống những tuyến đường xung quanh tòa nhà quốc hội ở Jakarta, một số thậm chí tìm cách xông vào bên trong, nhằm phản đối phiên họp thông qua dự luật.
Cảnh sát phải dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông, trong khi người biểu tình ném đá vào lực lượng an ninh, phong tỏa các đoạn đường, đốt lốp xe và kéo đổ một đoạn hàng rào của tòa nhà quốc hội.
Nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn cũng diễn ra trên khắp cả nước, yêu cầu quốc hội tôn trọng Tòa án Hiến pháp và phản đối các dấu hiệu hình thành "gia tộc chính trị" tại nước này.
Căng thẳng gia tăng khiến quốc hội Indonesia không thể tổ chức bỏ phiếu khi không có đủ số lượng nghị sĩ tham gia. "Phiên họp sửa đổi luật bầu cử địa phương đã không thể diễn ra", Phó chủ tịch Quốc hội Indonesia Sufmu Dasco Ahmad cho biết. Ông cũng bổ sung rằng luật bầu cử địa phương sẽ không có thêm thay đổi nào trước cuộc bầu cử cấp tỉnh năm nay.
Cuộc khủng hoảng châm ngòi bởi bất đồng giữa quốc hội Indonesia và Tòa án Hiến pháp nước này. Tòa án Hiến pháp Indonesia ngày 20/8 ra phán quyết bác bỏ đề nghị điều chỉnh giới hạn tuổi đối với ứng viên tỉnh trưởng.
Luật bầu cử địa phương từ năm 2016 quy định ứng viên tỉnh trưởng phải trên 30 tuổi, nhưng con trai út của Tổng thống Jokowi là Kaesang Pangarep, đang ứng cử vị trí lãnh đạo tỉnh Trung Java, mới 29 tuổi. Sau khi tòa từ chối điều chỉnh giới hạn tuổi tác, quốc hội Indonesia ngày 21/8 duyệt "đề xuất khẩn cấp" sửa luật thành ứng viên tranh cử tỉnh trưởng cần đủ 30 tuổi vào thời điểm nhậm chức nếu đắc cử.
Tòa án Hiến pháp cũng điều chỉnh quy định về mức ủng hộ tối thiểu ở địa phương đối với cá nhân muốn tranh cử tỉnh trưởng, hạ từ 20% xuống 10% thành viên cơ quan lập pháp cấp tỉnh. Phán quyết này có lợi cho cựu tỉnh trưởng Jakarta Anies Baswedan, đối thủ của Tổng thống Jokowi lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto.
Ông Anies Baswedan đang tìm cách giành lại ghế tỉnh trưởng Jakarta sau hai năm rời vị trí này để tranh cử tổng thống, nhưng hầu hết các đảng đang ủng hộ Ridwan Kamil, cựu tỉnh trưởng Tây Java và được xem là đồng minh của ông Prabowo Subianto. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp giúp Anies Baswedan có cơ hội tranh cử, nhưng đề xuất điều chỉnh luật bầu cử địa phương do quốc hội đưa ra lại không chấp nhận phán quyết này.
Các động thái từ quốc hội Indonesia, trong đó các nghị sĩ ủng hộ ông Jokowi và Prabowo chiếm đa số, đã châm ngòi làn sóng bất bình trong xã hội lẫn lo ngại từ giới chuyên gia về "khủng hoảng hiến pháp" và sức ảnh hưởng quá lớn của ông Widodo.
Tòa án Hiến pháp Indonesia năm 2023 từng gây tranh cãi khi tạo điều kiện cho con trai cả của ông Widodo là Gibran Rakabuming Raka, thị trưởng 36 tuổi của thành phố Surakarta, trở thành ứng viên phó tổng thống của ông Prabowo Subianto dù thiếu 4 tuổi so với quy định.
Chánh án Tòa án Hiến pháp khi đó là Anwar Usman, em rể ông Widodo, ra phán quyết không hạ quy định tuổi tác, nhưng cho phép ứng viên từng giữ chức lãnh đạo địa phương được đặc cách tranh cử.
Theo Yoes Kenawas, chuyên gia chính trị tại Đại học Công giáo Atma Jaya ở Jakarta, những người biểu tình cho rằng quốc hội nước này đang tìm cách vượt quyền Tòa án Hiến pháp và ngăn cản ứng viên đối lập. Họ cũng lo ngại ông Widodo đang mở đường cho những thành viên trong gia đình thăng tiến trên chính trường Indonesia.
Thanh Danh (Theo AP, Reuters, Al Jazeera)