Cũng giống như mọi người bình dị khác, Nguyễn Công Suất có những khát khao của riêng mình. Vốn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo Sóc Sơn (Hà Nội), anh khát khao thoát nghèo. Giản dị và chính đáng là vậy nhưng để biến thành hiện thực không phải lúc nào cũng dễ dàng. Con đường duy nhất bấy giờ là học hành để trở thành một viên chức, công chức Nhà nước.
Cuộc đời không phải lúc nào cũng chiều lòng người. Năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, anh tòng quân và trở thành người lính nơi chiến trận. Tận mắt chứng kiến sự tàn khốc nơi chiến trường và nhiều đồng đội đã hy sinh vì không kịp cứu chữa, trong khi chôn cất đồng đội, anh tự hứa với lòng mình phải trở thành bác sĩ cứu người. Và ước mơ ấy trở thành hiện thực. Nguyễn Công Suất tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, rồi trở thành bác sĩ của dự án khoa học chuyên về bệnh tiêu hóa ở Viện Quân y 108.
![]() |
Bác sĩ Nguyễn Công Suất. |
Nhưng rồi người thân và bạn bè bất ngờ khi thấy anh đột nhiên xin nghỉ việc tại bệnh viện để trở thành một doanh nhân. Chính anh nhiều lúc tự hỏi mình, sao có lúc lại quyết định “động trời” như vậy? Hóa ra đây lại là một quyết định đúng đắn để biến khát khao thành hiện thực.
Trong những ngày tháng công tác tại Viện Quân y 108, Nguyễn Công Suất có điều kiện làm việc với nhiều giáo sư, bác sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế. Anh được tiếp cận với nhiều công trình nghiên cứu y học. Một trong những công trình nghiên cứu đeo đẳng anh rất nhiều, đó là công dụng của quả gấc trong điều trị bệnh ung thư và những bệnh nhân nhiễm chất độc da cam.
Hơn 20 công trình nghiên cứu công dụng của quả gấc nhưng tất cả những nghiên cứu này vẫn chỉ nằm trên giấy. Ngay đến những người Mỹ cũng rất quan tâm đến trái gấc Việt. Nhiều hãng thuốc lớn của Mỹ gọi đây là “loại quả đến từ thiên đường”(fruit from heaven). Loại quả thân quen của người Việt này chứa Beta Caroten cao gấp tới 68 lần cà chua.
Nhận thấy lợi ích của gấc, bác sĩ Nguyễn Công Suất quyết tâm theo đuổi đến cùng biến “cái không thể thành có thể”, nghĩa là quả gấc Việt phải mang lại lợi ích tối thượng cho cộng đồng, cho cuộc sống của con người.
Bác sĩ tâm sự: “Tôi đã có thời kỳ cùng với các giáo sư thực hiện một đề tài cấp quốc gia 'Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chống ung thư gan ở Việt Nam'. Từ đây tôi biết nhiều về quả gấc qua hàng chục đề tài nghiên cứu trong và ngoài nước. Và cây gấc đã ám vào tôi như một định mệnh”. Cái “định mệnh” anh nói thực ra là một nhân duyên. Khát khao là vậy nhưng để biến thành hiện thực không phải là việc dễ dàng.
![]() |
Nhiều loại thực phẩm, thuốc rất tốt cho sức khỏe được sản xuất từ trái gấc. |
Bác sĩ lập dự án, mặc dù được nhiều cơ quan chức năng ủng hộ nhưng khi gõ cửa các công ty mong được hợp tác, anh chỉ nhận được những cái lắc đầu và nhiều nghi ngại. Họ đặt ra các câu hỏi mà ở thời điểm ấy chính anh cũng chưa có câu trả lời. Ví dụ gấc chín vào 2 tháng cuối năm, bỏ ra một đống tiền mua máy móc, thiết bị chỉ để sản xuất trong có 2 tháng rồi đắp chiếu để đó thì ai sẽ bù lỗ, thị trường tiêu thụ… Biết bao nhiêu khó khăn đang chờ phía trước đối với một doanh nhân mới bập bẹ vào nghề.
Ngày đầu đôi lúc khó khăn làm anh nản lòng. Nhưng rồi cái máu “được ăn cả ngã về không” thắng thế. Khởi nghiệp chỉ có vỏn vẹn 4.000 USD, anh phải cậy nhờ vợ đi vay tiền để mua giàn máy chiết xuất dầu gấc hơn 100.000 USD. Rất may, người vợ đã hết lòng ủng hộ, Công ty chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam (VNPOFOOD) do anh làm Giám đốc được sáng lập.
Sản phẩm dầu gấc viên nang Vinaga ra đời được sự ủng hộ của rất nhiều cán bộ Bộ Y tế nhưng đến được với người tiêu dùng là cả một thách thức. Dân ta có thói quen dùng dầu gấc lâu đời nhưng họ không nghĩ gấc lại có nhiều công dụng trong điều trị các loại bệnh nan y và nhiều công dụng khác. Bạn hàng đầu tiên của công ty anh lại là ở Mỹ. Lúc đó, anh nung nấu khát vọng biến sản phẩm của mình trở thành thương hiệu Việt Nam được nhiều người nước ngoài lẫn trong nước biết đến, chứ không phải khoác "chiếc áo" ngoại quốc. Và người tiêu dùng trong nước không phải đắn đo khi dùng hàng Việt Nam sản xuất.
Đến nay, thành quả mà anh đạt được còn giúp hàng nghìn nông dân khu vực đồng bằng Bắc Bộ thoát nghèo. Nhiều bà con cho biết, một khóm gấc cho thu nhập từ 600 đến 700.000 đồng một năm. Hiện anh đã xây dựng được vùng nguyên liệu ở 20 tỉnh thành trong cả nước… Trong chương trình Người đương thời của Đài Truyền hình trung ương mà anh là khách mời, nhiều khán giả đã xúc động nói lên những cảm nhận của mình trước thành công của nhà doanh nghiệp, bác sĩ Nguyễn Công Suất trong việc góp phần giúp người dân vượt lên đói nghèo.
Giáo sư Jon Châu người Mỹ gốc Việt bày tỏ: “Bác sĩ Nguyễn Công Suất đã tạo ra các sản phẩm tốt từ trái gấc của quê hương". Giáo sư cho biết thêm lượng Lycopen có trong trái gấc Việt là một chất chống oxy hóa, chống lão hóa rất mạnh, giúp da dẻ hồng hào và hỗ trợ ngăn chặn các bệnh ung thư hiệu quả.
Cao Quang