Ông Vũ Mão: "Đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo...". |
Thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm theo Điều 34 Nội quy kỳ họp, gồm 4 bước chính: 1/ Ủy ban Thường vụ trình Quốc hội quyết định những quan chức cần phải bỏ phiếu tín nhiệm. 2/ Trước khi Quốc hội thảo luận vấn đề này, người bị đưa ra xem xét có cơ hội trình bày ý kiến của mình. 3/ Sau đó các đại biểu bỏ phiếu kín rằng có tín nhiệm với quan chức đó không. 4/ Trường hợp bị quá nửa đại biểu bất tín nhiệm, người đó sẽ bị Quốc hội xem xét, quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn miễn nhiệm, cách chức.
Theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, có tới hơn 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trong đó có những vị trí quan trọng của bộ máy nhà nước: Chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, thủ tướng, các phó thủ tướng, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND tối cao... và các vị trí lãnh đạo hội đồng và các ủy ban của Quốc hội.
Thảo luận thông qua từng phần bản nội quy, đại biểu Nguyễn Xuân Dương cho rằng, với các chức danh quan trọng, người trúng cử phải phải báo cáo chương trình hành động. Đại biểu Lê Quốc Dung nhấn mạnh: “Báo cáo chương trình hành động là để đại biểu và cử tri cả nước biết người mà mình bầu ra cam kết làm gì để còn giám sát trong suốt nhiệm kỳ hoạt động của người đó”. Dạng “tuyên ngôn trách nhiệm” này là thông lệ ở nhiều nước trên thế giới, và ở Việt Nam đã được nêu ra từ khi thảo luận Luật Tổ chức Quốc hội hồi cuối năm 2001, nhưng chưa được luật hóa.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Yểu cho rằng: “Đây là vấn đề mới, ai là người phải tuyên thệ, thủ tục ra sao vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Thảo luận vấn đề này còn nhiều ý kiến phân tán. Do đó chưa nên bổ sung vào nội quy”. Cũng theo ông Yểu, dù chưa luật hóa nhưng tại phiên họp đầu tiên của các khóa Quốc hội, ba lãnh đạo chủ chốt mới được bầu là chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và chủ tịch nước đều có bài phát biểu sau khi trúng cử.
Đại biểu Nguyễn Đình Lộc cho rằng điều 14 dự thảo nội quy (điều kiện, thủ tục quyết định để Quốc hội họp kín) trái với Luật Tổ chức Quốc hội. Ông cho rằng đã là nội quy thì phải làm rõ quy trình làm thế nào tập hợp được ý kiến của 1/3 đại biểu về vấn đề này. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đã đề nghị các đại biểu biểu quyết, và cuối cùng Quốc hội giữ nguyên điều 14. Đại biểu Lê Viết Quốc cho rằng, cần quy định ở điều 25 số người đề cử vào các chức vụ chủ tịch quốc hội, phó chủ tịch và ủy viên Ủy ban Thường vụ phải nhiều hơn số được bầu, để đảm bảo tính dân chủ trong bầu cử và khả năng lựa chọn cao hơn. Song Ban dự thảo nội quy đề nghị "cho giữ nguyên".
Trong quá trình thảo luận, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng cần quy định thủ tục hát Quốc ca vào phiên khai mạc và bế mạc Quốc hội. Đại biểu Đào Xuân Nay đề nghị các dự thảo luật phải được gửi tới đại biểu trước 30 ngày (so với 20 ngày trong dự thảo), báo cáo và dự án khác phải gửi trước 20 ngày (dự thảo là 10 ngày)... Tuy nhiên các ý kiến này không được Ban dự thảo chấp nhận. Do đó, nhìn chung bản nội quy mới được thông qua không thay đổi nhiều so với dự thảo.
Nghĩa Nhân
Ảnh: Xuân Thu