Chi cho biết chị không béo phì bẩm sinh mà bắt đầu tăng cân từ năm 2018. Đến cuối 2021, cân nặng Chi đạt đỉnh, 78 kg, trong khi cao 1,63 m, dư gần 20 kg so với trọng lượng lý tưởng. Béo phì khiến cô gái mắc bệnh gan nhiễm mỡ độ 2, nổi nhiều mụn viêm trên lưng, rối loạn chuyển hóa, táo bón. Đặc biệt, chị thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, ngủ rũ. Cơ thể không khỏe, cộng thêm căng thẳng tâm lý do áp lực và cường độ công việc cao, Chi khủng hoảng.
"Stress nặng nên tôi rất dễ cáu, cũng không tập trung làm việc được. Có ngày phải hoãn hết lịch trình để ngủ bù nhưng ngủ xong thì không thấy khỏe hơn. Giờ tôi bị rối loạn giấc ngủ, đêm thường thức trắng", Chi nói.
Đến bác sĩ khám bệnh, thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt kết hợp tập gym cùng huấn luyện viên, song cân nặng của Chi giảm không đáng kể, còn 74 kg rồi chững lại trong nhiều tháng. Bác sĩ giải thích nếu tình trạng stress, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ không được cải thiện, chị sẽ không thể giảm cân. Hiện, ngoài việc duy trì tập gym, đi bộ tăng tốc độ đốt mỡ, hạn chế dùng cà phê, nước ngọt, không ăn đồ chiên rán, Chi được bác sĩ cho dùng một loại kẹo chứa melatonin - chất giúp dễ ngủ và ngủ sâu hơn. Đồng thời, chị xả stress bằng cách giảm cường độ công việc, chấp nhận rằng thu nhập sẽ ít hơn để khắc phục vấn đề sức khỏe trước.
Chị Thương, 35 tuổi, ở TP HCM, cao 1,56 m, nặng gần 70 kg, cũng thường mất ngủ, lo âu, căng thẳng và ăn uống mất kiểm soát. Tại Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, chị được bác sĩ chẩn đoán bị căng thẳng kéo dài do ảnh hưởng của bệnh béo phì, kèm theo bệnh nền đái tháo đường, rối loạn mỡ máu. Các bác sĩ chỉ định điều trị béo phì chuyên sâu với sự phối hợp của chuyên gia nội tiết, dinh dưỡng, phục hồi chức năng và tâm lý.
Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết các yếu tố tâm lý, trong đó có căng thẳng, là một trong những nguyên nhân gây ra béo phì. Tình trạng này tác động xấu đến nhận thức, làm thay đổi hành vi và thói quen một cách tiêu cực. Biểu hiện rõ nét nhất đó là việc ăn uống, sinh hoạt và vận động thiếu lành mạnh.
Không những vậy, căng thẳng còn có thể khiến các chức năng sinh học của cơ thể bị mất cân bằng, dẫn đến những rối loạn trong quá trình trao đổi chất. "Khi tình trạng căng thẳng đạt tới một mức độ nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ rơi vào trầm cảm", bác sĩ Mẫn nói.
Ngược lại, béo phì cũng góp phần làm gia tăng sự nghiêm trọng của căng thẳng hoặc trầm cảm. Bác sĩ Mẫn phân tích nhiều người bệnh béo phì phải chịu đựng sự kỳ thị của những người xung quanh, điều này càng khiến cho tình trạng stress hoặc trầm cảm trở nên nặng nề hơn.
Mặt khác, nhiều người bệnh béo phì nôn nóng tìm cách giảm cân nhanh chóng. Tuy nhiên, đa số người bệnh lại ngại trao đổi với bác sĩ về vấn đề cân nặng của họ. Sự nôn nóng, chưa hiểu rõ phương pháp điều trị cùng với việc có quá nhiều nguồn thông tin chưa chính xác về các loại thực phẩm chức năng, các biện pháp hỗ trợ giảm cân có thể khiến người bệnh béo phì có quyết định sai lầm. Khi những biện pháp này không đem lại hiệu quả như mong muốn, tâm lý của người bệnh lại bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Theo bác sĩ Mẫn, các nghiên cứu đã chứng minh rằng người bệnh có thể giảm 5-10% trọng lượng cơ thể ban đầu trong khoảng thời gian 6 tháng khi được điều trị bằng chương trình tập luyện thể chất, thay đổi chế độ ăn và đặc biệt là các chiến lược thay đổi hành vi, lối sống. Trong đó, các bác sĩ tâm lý sẽ hỗ trợ người bệnh can thiệp thay đổi hành vi, nâng cao khả năng tự điều chỉnh.
Cụ thể, chuyên gia sẽ giúp người bệnh học cách tự quản lý stress; chủ động kiểm soát các tác nhân kích hoạt cảm giác thèm ăn, qua đó duy trì được chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh; dần thay thế những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, tìm lại sự tự tin. Việc trị liệu, hỗ trợ tâm lý này sẽ được tiến hành xuyên suốt quá trình điều trị, cho đến khi đạt mục tiêu giảm cân và duy trì cân nặng phù hợp sau đó.

Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn tư vấn tâm lý cho một bệnh nhân béo phì. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Các phương pháp điển hình thường áp dụng để điều trị béo phì gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày hoặc nối tắt dạ dày vào ruột non. Tùy vào từng thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng phác đồ điều trị phù hợp, kết hợp liệu pháp tâm lý, bác sĩ Võ Duy Long, Phó khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho biết thêm.
Chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu ăn kiêng, luyện tập hoặc dùng thuốc... để giảm cân một cách cực đoan, người bệnh có nguy cơ tăng cân trở lại, nặng hơn sẽ gặp biến chứng như tổn thương tim mạch, xương khớp, tiêu hóa, tâm lý, hệ thần kinh, chức năng gan, thận... Do đó, để điều trị đúng bệnh béo phì, người bệnh cần thăm khám và có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Béo phì là bệnh lý mạn tính, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau. Chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 30, thì được coi là béo phì. Với người châu Á, chỉ số này thấp hơn, cụ thể người có BMI ≥ 23 được coi là thừa cân và BMI ≥ 25 là người béo phì.
Hiện, số người thừa cân, béo phì tại Việt Nam không được công bố. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh ở mọi lứa tuổi, ghi nhận cả ở thành thị và nông thôn. Nhóm trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì ở thành thị là gần 10% và hơn 5% ở nông thôn - tăng cao hơn so với tỷ lệ ghi nhận vào năm 2010. Ở nhóm người trưởng thành, tỷ lệ thừa cân, béo phì là gần 16% (theo thống kê năm 2015) và tiếp tục gia tăng; hơn 4% bị tiểu đường và hơn 30% bị mỡ máu. Kiểm soát tình trạng béo phì là một trong 5 mục tiêu được đặt ra trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 của Bộ Y tế, ban hành ngày 19/5.
Thư Anh - Chi Lê