Nhóm nhà khoa học đã khảo sát chiều cao và cân nặng của hơn 6.000 người trong năm 2006 và năm 2010. Người tham gia hoàn thành bảng câu hỏi đo mức độ nhận thức về kỳ thị mà họ nhận được, ví dụ khi họ cảm thấy bị đối xử ít lịch sự và phần nào họ không được tôn trọng như người khác. Họ cũng được hỏi về suy nghĩ liệu rằng sự kỳ thị có phải do các đặc điểm như giới tính, chủng tộc và trọng lượng của họ hay không.
Theo nghiên cứu, trong số người tham gia, những người béo bị kỳ thị sẽ duy trì hiện trạng béo phì nhiều hơn gấp ba lần so với người không cảm thấy bị kỳ thị. Kết quả này bác bỏ quan niệm trước kia cho rằng, việc chê trách người thừa cân khiến họ cảm thấy xấu hổ hơn và thực hiện hành động để giảm cân.
"Kỳ thị béo phì tương đối khá phổ biến. Nhưng việc chê trách người bị thừa cân có tác dụng ngược lại, không như mọi người vẫn nghĩ", nhà nghiên cứu Angelina Sutin, giáo sư tâm lý học tại Đại học Y, bang Florida cho biết.
Sutin cho biết, có rất nhiều bằng chứng cho thấy kỳ thị người béo liên quan với việc tăng nguy cơ mắc phải các hành vi như ăn nhiều hơn và họ thường tránh các hoạt động thể chất.
“Vài năm gần đây, hàng trăm chiến dịch chống béo phì được các tổ chức y tế công cộng tiến hành để nhắm đến lợi ích tốt đẹp trong sức khỏe cộng đồng, nhưng hầu hết các chiến dịch đều chê bai hoặc giễu cợt người thừa cân. Đó không phải là cách hiệu quả”, Rebecca Puhl, phó giám đốc Trung tâm lương thực và béo phì, Đại học Yale nói.
Các nhà nghiên cứu cho hay, xét từ góc độ sinh lý, sự căng thẳng gây ra bởi kỳ thị trọng lượng làm tăng hormone cortisol, một yếu tố liên quan đến sự tăng cân. Tuy nhiên, sự kỳ thị về giới tính hoặc chủng tộc không hoạt động theo cơ chế này.
Nguyên Trường (theo Live Science)