Bà Lô 72 tuổi, bị tăng huyết áp vô căn nhiều năm, thỉnh thoảng hoa mắt, chóng mặt. Từ giữa năm ngoái đến nay, bà là khách quen tại trạm y tế phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú. Người phụ nữ cho biết do tuổi cao, con cái đi làm vắng nhà không đưa đón được nên bà khám bệnh và lấy thuốc tại trạm y tế để thuận tiện di chuyển.
"Bệnh của tôi khó điều trị dứt điểm, tuổi đã cao, di chuyển khó khăn, may mắn có thể khám, lấy thuốc ở trạm y tế mà không cần đến bệnh viện", bà Lô chia sẻ và thêm là thường tự đi một mình đến trạm khám mỗi tháng theo diện bảo hiểm y tế (BHYT).
Bà Lô là một trong hàng nghìn người dân đến với các trạm y tế mỗi tháng. Bà Kiều Hồng Thúy, Trưởng trạm y tế phường Tân Thới Hòa, cho biết tháng 7/2022 có 55 lượt bệnh nhân thì tháng 8/2022 tăng lên 283 lượt, các tháng sau đó duy trì ở 240-300 người.
Bệnh nhân đến trạm chủ yếu khám các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi hoặc theo dõi bệnh lý không lây nhiễm mạn tính như tiểu đường, huyết áp cao, máu nhiễm mỡ... Nhiều bệnh nhân khám BHYT để nhận thuốc miễn phí, thường là người lớn tuổi, như bà Lô. Ngoài ra, một số phụ huynh đưa con đến khám dinh dưỡng, uống vitamin, tiêm chủng.
Lý giải nguyên nhân trạm thu hút bệnh nhân, bác sĩ Thúy cho biết đơn vị được tăng cường thêm các bác sĩ từ bệnh viện và Trung tâm Y tế quận Tân Phú, luân phiên tham gia khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, các bác sĩ bệnh viện Trưng Vương, Nhi đồng Thành phố... cũng hỗ trợ, tư vấn chuyên môn từ xa qua "app hội chẩn". Còn bản thân trạm có 8 nhân viên y tế cơ hữu, trong đó có 2 bác sĩ.
Trạm y tế Tân Thới Hòa là một trong những cơ sở được cho là hoạt động khá thành công tại TP HCM, từ sau khi Covid-19 được kiểm soát. Đây cũng là một trong 4 trạm tại quận Tân Phú hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Ba trạm còn lại gồm Tân Quý, Phú Thọ Hòa, Hòa Thạnh.
Ngày 15-16/2, Sở Y tế giám sát 11 trạm y tế ở quận Tân Phú, ghi nhận lượt bệnh nhân khám khá cao so với trạm ở những quận khác, gồm cả bệnh nhân có BHYT thuộc tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Hiện trung bình mỗi tháng một trạm y tế tiếp nhận 100-150 lượt khám, có nơi đến 600 lượt bệnh nhân, khác hẳn khung cảnh vắng vẻ đìu hiu trước đây. Các trạm có cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi, mỗi trạm từ 3 đến 5 bác sĩ.
Những nỗ lực trên của thành phố nhằm giúp trạm y tế thu hút bệnh nhân và giải tỏa áp lực quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Khảo sát nhanh của Sở Y tế hồi tháng 8/2022, gần 80% người dân sẵn sàng đến với trạm y tế phường, xã thay vì đến bệnh viện, nếu các trạm y tế được cung ứng đầy đủ thuốc.
Sau đợt bùng phát dịch Covid năm 2021 bộc lộ những điểm yếu của y tế cơ sở, ngành y tế thành phố đã triển khai nhiều chính sách nhằm nâng cao năng lực cho tuyến này. Để tăng cường nhân lực, thành phố đưa bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp ra trường về trạm y tế thực hành 18 tháng; điều phối bác sĩ các bệnh viện lớn luân phiên khám chữa và hội chẩn.
Bên cạnh đó, thành phố đầu tư nâng cấp hạ tầng, giúp trạm y tế hoạt động như một bệnh viện và chuyển sang mô hình y học gia đình, là dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cá nhân và gia đình. Theo đề án của Sở Y tế, năm 2022-2023 sẽ có 146 trạm y tế chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý này.
Ngoài ra, một số ít trạm đã được đầu tư nâng cấp hạ tầng, trang bị máy móc y tế như X-quang, siêu âm... hoạt động giống bệnh viện và thu hút nhiều bệnh nhân. Như trạm phường 22, quận Bình Thạnh, nơi đầu tiên thí điểm mô hình này, hiện mỗi ngày khám 50-70 ca, tăng gấp 2-3 lần so với trước dịch.
TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, trong một hội thảo cuối năm ngoái, cũng nhận định để nâng cao năng lực quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở cần tập trung giải quyết một số vấn đề, trong đó có đảm bảo cung ứng thuốc thiết yếu. Do đó, UBND TP đề nghị Bộ Y tế cho phép triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc BHYT cho trạm y tế đối với 40 loại thuốc.
Mỹ Ý