Ảnh minh họa: wegohealth.com. |
Giáo sư Christopher Hsee, một nhà tâm lý hành vi của Đại học Chicago tại Mỹ, mời 98 sinh viên tham gia một nghiên cứu. Hsee yêu cầu tình nguyện viên điền thông tin vào hai phiếu điều tra. Sau khi hoàn thành phiếu thứ nhất, tình nguyện viên đối mặt với hai lựa chọn: đặt phiếu vào một chỗ gần đó hoặc một chỗ khá xa so với vị trí ngồi của họ. Nếu đặt phiếu vào chỗ xa, tình nguyện viện sẽ phải thực hiện vài bước chân.
Telegraph cho biết, hai phần ba số sinh viên chọn đặt phiếu vào chỗ gần.
Phiếu điều tra thứ hai yêu cầu tình nguyện viên đánh giá mức độ vui vẻ theo một thang điểm sau khi hoàn thành phiếu thứ nhất. Kết quả cho thấy những người chọn đặt phiếu ở xa có điểm hài lòng cao hơn so với nhóm kia.
Trong bài viết trên tạp chí Psychological Science, giáo sư Hsee kết luận trạng thái bận rộn khiến con người cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống. Phát hiện này, theo ông, có ý nghĩa đối với các nhà lãnh đạo.
“Chính phủ có thể làm tăng mức độ hạnh phúc của những công dân nhàn rỗi bằng cách tạo điều kiện cho họ hoạt động nhiều hơn, như nâng cấp những cây cầu cũ”, ông phát biểu.
Đối với từng cá nhân ông cho rằng mọi người không nên để tay, chân và tâm trí rơi vào tình trạng nhàn rỗi quá lâu.
“Sau khi thức giấc chúng ta nên tìm một việc gì đó để làm. Bất kỳ việc gì cũng được, ngay cả khi việc đó chẳng mang đến kết quả cụ thể”, ông nói.
Nhưng bận rộn không có nghĩa là phải lao động chân tay hay học bài. Theo Hsee, suy nghĩ về vấn đề gì đó cũng là một hình thức bận rộn.
Vị giáo sư nói ông từng kiểm tra giả thuyết này bằng cách yêu cầu các trợ lý thực hiện những công việc vặt vãnh và không mang đến kết quả cụ thể. Kết quả cho thấy họ cảm thấy hạnh phúc hơn so với khi chẳng phải làm gì.
Minh Long