Các gói hàng bắt đầu được chuyển đến nhà riêng của anh hồi tháng 3/2021 với địa chỉ người gửi là "Bộ phận Trả hàng". Bên trong là quần áo phụ nữ, khăn quàng và đồ lót rẻ tiền sản xuất tại Trung Quốc, cùng thẻ trả hàng của Amazon.
Andrew điều hành một doanh nghiệp bán phụ kiện cao cấp cho ôtô, có hoạt động trên Amazon. Ban đầu, anh cho rằng ai đó nhầm lẫn, như khách hàng điền nhầm địa chỉ trả hàng. Suy nghĩ này nhanh chóng thay đổi khi hàng loạt gói hàng tiếp tục được chuyển đến, có khi lên tới hơn 20 kiện hàng mỗi ngày.
Anh liên hệ với Amazon và được thông báo họ không nhầm lẫn. Một người bán khác lấy địa chỉ nhà riêng của anh làm địa chỉ trả hàng của họ, khiến anh phải tiếp nhận các sản phẩm mà người dùng không hài lòng.
![Bên trong một trung tâm xử lý hàng hóa của Amazon. Ảnh: Wired](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2022/09/22/-2772-1663850734.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=b7ogPqIBEnu5ACG83WXv0w)
Bên trong một trung tâm xử lý hàng hóa của Amazon. Ảnh: Wired
Amazon không giúp được gì. "Những cuộc gọi đến Amazon hoàn toàn vô nghĩa. Nó giống như câu chuyện kinh dị viễn tưởng, chứa đầy những phản hồi vô hồn theo kịch bản có sẵn, rồi chuyển sang sự im lặng hoàn toàn khi tôi đưa ra những câu trả lời không khớp với kịch bản của họ", Andrew nói.
Anh tỏ ra ngỡ ngàng khi người khác có thể dùng địa chỉ của mình. Andrew trải qua quá trình rà soát nhân thân rất chặt chẽ khi mở tài khoản kinh doanh trên Amazon. Công ty thậm chí còn gửi thư chứa mật khẩu dùng một lần đến địa chỉ doanh nghiệp của anh. Tài khoản của anh không thể bị xâm nhập. Dù vậy, một người bán quần áo phụ nữ lại có thể dùng địa chỉ công ty của Andrew.
Đây không phải trường hợp duy nhất trên Amazon.
Việc hãng thương mại điện tử này không thể xác thực danh tính của nhiều người bán hàng trên hệ thống Marketplace đã tạo lỗ hổng những kẻ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân và doanh nghiệp ở khắp nơi. Nhiều người nói họ bị đánh cắp danh tính, trong khi Amazon không hỗ trợ gì.
Kết quả là hệ sinh thái này khiến nhiều người chán nản. Khách hàng tức giận khi không vừa ý với sản phẩm và hoàn trả cho người bán, nhưng lại gửi chúng đến địa chỉ xa lạ như của Andrew và gây khó khăn cho họ.
Hàng triệu người bán hàng bên thứ ba trên Amazon mang lại 390 tỷ USD cho công ty năm 2021, chiếm gần một nửa doanh thu bán lẻ của hãng. Nhưng với người buôn bán nhỏ lẻ, Amazon Marketplace hiếm khi đem lại lợi nhuận và cực kỳ đắt đỏ. Phần lớn tài khoản bán hàng thu được lợi nhuận dưới 25.000 USD trong suốt thời gian kinh doanh.
Một số người bán hàng cũng dùng chiêu thức chơi xấu như gửi báo cáo lừa đảo giả mạo nhằm vào đối thủ, thậm chí hối lộ nhân viên Amazon để gây khó khăn cho những công ty cạnh tranh. Số khác lại bán hàng giả hoặc kém chất lượng.
Amazon thường xuyên khóa các tài khoản bán hàng giả mạo, đưa tên công ty, địa chỉ và IP của họ vào danh sách đen. Dù vậy, vẫn có cách lách luật.
Trên ứng dụng nhắn tin Telegram và các diễn đàn như Swapd và PlayerUp đang tồn tại một thị trường ngầm chuyên buôn bán tài khỏa kinh doanh trên Amazon. Hàng nghìn trung gian công khai bán những tài khoản có giá từ vài trăm đến hàng nghìn USD, tùy thuộc mức độ đánh giá và thời gian tham gia.
Chính sách của Amazon thường không cho phép doanh nghiệp chuyển giao tài khoản cho bên khác, nhưng không phải tất cả những tài khoản được mua bán đều bị lạm dụng cho mục đích xấu. Tài khoản trên Amazon có thể nằm trong thỏa thuận mua bán doanh nghiệp, hoặc được mua lại để chủ mới mở rộng kho hàng. Tuy nhiên, đây cũng là phương án giúp lách qua những đợt kiểm tra an ninh.
Amazon có thể áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra doanh nghiệp mới đăng ký, từ gọi video đến gửi thư xác thực như trường hợp của Andrew. Nhưng mua tài khoản đã được xác thực sẽ giúp người bán hàng bỏ qua giai đoạn này.
"Những kẻ lừa đảo mua tài khoản có sẵn, vì chúng đã được xác thực từ nhiều năm trước và không bị đánh dấu trong hệ thống Amazon", Michael Jakubek, cựu chuyên gia điều tra lừa đảo của Amazon Marketplace, nhận xét.
Một số người trung gian tự tin về khả năng lách luật đến mức bảo đảm hoàn tiền trong vòng hai tuần nếu tài khoản bị khóa. Những người khác cung cấp mạng riêng ảo (VPN) để người mua giả mạo địa chỉ tài khoản.
Sau khi sở hữu tài khoản, người mua có thể giữ tên và địa chỉ của chủ cũ hoặc nhập thông tin ngẫu nhiên. Đôi khi toàn bộ danh tính và thông tin cá nhân của một người lạ có thể được nhập vào tài khoản.
Max, vận hành một website chuyên bán tài khoản, cho rằng Amazon không sẵn sàng soi xét thay đổi thông tin tài khoản nếu chúng diễn ra trong thời gian dài. Trong khi đó, hai người bán giấu tên cho biết có nhiều khách hàng mua nhiều lần, hoặc mua số lượng lớn tài khoản theo từng đợt vì chúng thường xuyên bị khóa.
Phát ngôn viên Amazon Nicole Pampe khẳng định công ty luôn tích cực đấu tranh chống lừa đảo trên nền tảng của mình. "Amazon đã chi hơn 900 triệu USD và triển khai hơn 12.000 người để bảo vệ khách hàng, thương hiệu, đối tác kinh doanh và hệ thống cửa hàng khỏi nạn lừa đảo, hàng giả và nhiều hình thức lạm dụng khác. Chúng tôi dùng những công cụ hàng đầu để xác thực danh tính người bán, cũng như bảo đảm hàng hóa được chào bán là thực", bà nói.
Bất chấp nỗ lực này, các chuyên gia cho rằng Amazon có động lực lớn để phớt lờ các biện pháp qua mặt chính sách bảo đảm của mình. "Amazon là cỗ máy in tiền. Họ và người bán luôn muốn duy trì dòng tiền luôn vận hành, thay vì tìm cách ngăn chặn hoạt động của những tài khoản giả mạo", Bruce Anderson, cựu chuyên gia điều tra an ninh mạng, nhận xét.
Andrew và gia đình chuyển tới nhà mới hồi giữa năm nay, họ không nhận được gói hàng hoàn trả nào nữa.
Điệp Anh (theo Business Insider)