Anh Cường đã đứng đó hơn 20 năm. Suốt thời gian ấy, anh chỉ bán báo Tây. Trên tay anh là những ấn phẩm đại diện cho cả nền báo chí thế giới: Time, The Economist, FT, New York Times... Anh phân biệt tờ báo bằng khổ của chúng, và tất nhiên, không biết trên đó có gì.
Ngay cả một người bán báo mù cũng có thể nói với bạn về sự đổi thay của thị trường báo chí thế giới. “Từ ngày có Internet đó”, anh than thở, “đâu còn ai đọc báo nữa đâu. Ngày xưa 10 khách thì giờ giảm còn 3”. Khi tôi nói chuyện với anh đầu năm ngoái, thì tỷ lệ sụt giảm doanh thu của thị trường báo chí lớn nhất thế giới - Mỹ - kể từ những năm 2000 cũng bằng đúng 70%. Người bán báo rong và The New York Times cùng trải qua một cơn lận đận.
Suốt nhiều năm, cứ mỗi lần đi qua quận 1, tôi lại dừng trước mặt anh mua một hai tờ báo. Bây giờ tất cả các nội dung đó đều có thể đọc trên mạng, nhưng tôi duy trì như một thói quen. Tôi cũng muốn giúp anh Cường. Gia đình bốn người nhà anh sống trong căn phòng trọ chỉ hơn 10 mét vuông. Hai đứa nhỏ, một đứa lớp 10, một đứa lớp 7, đều ngoan ngoãn và biết tự phụ giúp cha mẹ để kiếm tiền đi học. Tôi về suy nghĩ mãi, rồi quyết định sẽ không tặng tiền cho gia đình, mà xin cho đứa nhỏ suất học bổng tiếng Anh ở một trung tâm tốt. Đó là mong ước của nó - một mong ước rất đàng hoàng.
Những thay đổi của thời đại công nghệ, với những hạ tầng xuất bản mới, tạo ra nhiều khó khăn đáng kể cho hoạt động báo chí. Thời tôi mới vào nghề, có những tờ báo vẫn còn bán chạy tới mức tôi mua rồi, người bán báo rong còn đứng đợi. Họ nhẫn nại chờ tôi đọc xong, gạ đổi lấy một tờ khác rẻ hơn: “Anh cầm tờ này đọc thêm đi, rồi cho em tờ đó”. Rồi họ đem tờ báo cũ đi bán tiếp.
Trong những năm sau đó, tất cả những hội thảo tôi dự, trong hay ngoài nước, về báo chí, đều chỉ xoay quanh một chủ đề “khó khăn”, “thách thức” và “đổi mới”. Điều này, độc giả hoàn toàn có thể sẻ chia: hạ tầng mạng xã hội cho phép bất kỳ nguồn tin nào cũng được xuất bản tin tức hoặc ý kiến lên Internet. Thị trường của báo chí truyền thống bị đe dọa mạnh, ngay từ trong thói quen dùng mạng của độc giả.
Những chiến lược được đề ra để cạnh tranh với mạng xã hội nhiều tới mức không thể trình bày hết trong một khuôn khổ bài viết này. Chỉ riêng số sách viết về chủ đề đó cũng có thể lập thành một thư viện.
Nhưng mỗi lần nhớ về những thách thức của báo chí, tôi lại nhớ người bán báo ở góc đường Đồng Khởi. Có một lần, tôi đi ngang qua trước mặt anh. Tôi chưa kịp chào, mới chỉ đang nói chuyện với vài người cạnh đó, anh Cường đã gọi. “Anh Hoàng nè”, anh gọi, rồi lần giở đống báo trên tay. Anh tìm ra một tờ FT, một tờ Time và một tờ The Economist, đưa cho tôi: “Báo của anh nè”.
Đó là ba tờ báo mà tôi đã mua của anh những lần vào Sài Gòn. Sáu bảy năm, mỗi năm tôi chỉ vào có một hai lần, và không phải lần nào cũng rẽ qua Đồng Khởi ủng hộ anh. Nhưng anh Cường vẫn nhớ giọng tôi, để nhận ra tôi giữa trung tâm quận 1, và đưa cho tôi ba tờ báo tôi hay đọc. Hóa ra là anh làm được điều đó với hầu hết khách hàng khác.
Cái cách anh dỏng tai nghe từng người đi qua, nhớ được từng khách hàng của mình dù không nhìn thấy họ, làm tôi nghĩ đến chính cái cách mà chúng tôi đi tìm và chăm sóc độc giả của mình.
Các tờ báo có thể “bất lợi” hơn anh Cường ở mức độ nào đó, vì lượng độc giả tính bằng cả triệu, chứ không phải từng người bước qua. Nhưng với công nghệ, chúng tôi vẫn đang cố gắng hết sức để “lắng nghe” từng người một, thông qua thống kê, đọc từng bình luận, hay qua thói quen sử dụng ứng dụng VnExpress trên từng chiếc điện thoại, để tìm ra được độc giả của mình là ai, rằng mọi người mong chờ điều gì khi “rẽ qua” tờ báo của chúng tôi.
Sự thay đổi đáng kể nhất của báo chí trước các thách thức của thời đại, không phải là về nội dung, mà là về thái độ. Báo chí bây giờ phải tự đi tìm độc giả, và chăm sóc thói quen đọc của từng-người-một. Thời đại phát hành đồng nhất với số lớn, độc giả tiếp nhận bị động đã đi qua.
Hôm nay, ngày 21/6 là ngày của những người làm báo Việt Nam. Tôi kể câu chuyện của anh Cường trong ngày hôm nay, vì anh cũng là một phần của ngành xuất bản báo chí. Và quan trọng hơn, cái cách anh nhớ tên tôi, nhớ những tờ báo tôi đọc, dù không bao giờ nhìn thấy mặt khách hàng, gợi mở rất nhiều về thái độ “làm báo” trong thời đại khó khăn này.
Tôi coi đó như một lời hứa trong hôm nay.
Đức Hoàng