Rút kinh nghiệm từ Thượng Hải, nơi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt gây tình trạng thiếu lương thực, Li và bạn cùng nhà đã dự trữ thực phẩm đông lạnh và đồ tươi từ hai tuần trước, đủ để ăn 4 ngày.
"Nếu thực sự phong tỏa, tôi nghĩ chính quyền, cộng đồng và công ty sẽ hỗ trợ chúng tôi nhu yếu phẩm", Li nói. "Nếu hết thức ăn và chưa đến lúc nhận hàng tiếp tế, tôi sẽ ăn những thứ đã dự trữ. Chỗ đó dùng trong trường hợp khẩn cấp".
Các siêu thị chật cứng người hôm 24/4, các ứng dụng mua đồ online cũng thông báo hết hàng, Li cho biết khi đang xếp hàng chờ tại một điểm xét nghiệm dã chiến. Tuy nhiên, anh tin rằng miễn là ngành giao hàng tiếp tục hoạt động thì thực phẩm vẫn được vận chuyển suôn sẻ khắp Bắc Kinh, không giống như tình trạng gián đoạn ở Thượng Hải.
Thượng Hải, thành phố 26 triệu dân, ghi nhận hơn 500.000 người nhiễm trong đợt dịch bùng phát từ tháng 3, bất chấp đã áp phong tỏa nghiêm ngặt từ đầu tháng. Giới chức Thượng Hải đã thừa nhận có thiếu sót trong chống dịch và hệ thống cung cấp lương thực của thành phố gặp khó khăn, sau khi nhiều người dân phàn nàn về thiếu nhu yếu phẩm và các vấn đề bất cập khác.
Beijing Daily cho hay các chuỗi siêu thị trong thành phố như Carrefour và Wumart đã tăng gấp đôi lượng hàng, kéo dài giờ mở cửa hôm 24/4, trong khi trang bán hàng tạp hóa của Meituan tăng lượng hàng dự trữ và nhân viên giao hàng.
Bắc Kinh đang cảnh giác cao độ sau khi ghi nhận 70 ca nhiễm từ 22/4. Một nửa trong số này sống tại quận Triều Dương, nơi có dân số khoảng 3,5 triệu người với nhiều công ty và đại sứ quán.
Aurora, 24 tuổi, phóng viên, cho hay bản thân và bạn bè rất lo về ca lây nhiễm không triệu chứng. Dù hơn một chục tòa chung cư ở Triều Dương đang bị phong tỏa và quy định đi lại bị siết chặt từ tuần trước, ca lây nhiễm vẫn lây lan sang quận khác vào cuối tuần.
Bắc Kinh ghi nhận 29 ca lây nhiễm mới hôm 25/4, trong đó 20 ca ở Triều Dương. Thủ đô Trung Quốc ghi nhận 8 trên 16 quận trong thành phố phát hiện ca nhiễm.
Aurora sống ở quận Phong Đài, cách Triều Dương khoảng 30 phút lái xe và phát hiện hai ca nhiễm hôm 25/4. Cô đã đặt mua gạo, bánh mì, mì ăn liền và các nhu yếu phẩm khác trên mạng. Aurora sẽ tới siêu thị gần nhà mua thực phẩm tươi sống.
"Tôi không quá lo lắng. Chừng nào tôi vẫn đi làm như bình thường, tôi có thể ăn trưa và ăn tối ở căng tin dành cho nhân viên", cô nói. "Tất nhiên, nếu làm việc ở nhà thì khác hoàn toàn. Vì vậy, tôi vẫn mua đồ ăn nhưng mua ít hơn và thường xuyên hơn để tránh lãng phí".
Cô tin tưởng Bắc Kinh sẽ vượt qua đợt dịch này. "Nhìn chung, năng lực của chính quyền thủ đô rất tốt, tình hình sẽ không xấu như Thượng Hải", Aurora bày tỏ. "Dù vậy, ai cũng tích trữ đồ ăn nên chắc chắn sẽ gây bầu không khí căng thẳng".
Tại Đại học Thanh Hoa ở quận Hải Điền, nơi vẫn chưa bị đợt bùng dịch lần này ảnh hưởng, sinh viên đã mua sạch hàng hóa trong siêu thị ở trường vì lo ngại Bắc Kinh sẽ phong tỏa nghiêm ngặt như Thượng Hải, theo nghiên cứu sinh Yvonne Li.
"Bình thường sẽ có khoảng 20 người trong siêu thị một lúc nhưng tối qua có đến 60-70 người", Li nói.
Li thấy không có lý do gì phải lo lắng. "Tôi tin Bắc Kinh sẽ không như Thượng Hải", cô nói. "Dù nhà trường có phong tỏa thì vẫn đảm bảo đầy đủ nguồn cung. Tôi nghe nói nhà trường cũng đã dự trữ thực phẩm".
Hồng Hạnh (Theo SCMP)