Những cuộc bạo loạn ban đêm, trong đó nhiều nhà thờ Hồi giáo và nơi cư trú của người di cư bị tấn công, diễn ra nhiều ngày liên tục ở nhiều thành phố Anh và Bắc Ireland do những tin đồn thất thiệt xung quanh vụ sát hại ba bé gái hồi cuối tháng 7.
Nhưng vào tối 7/8, những người phản đối chống phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa phát xít, với số lượng đông hơn, đã tổ chức tuần hành tại nhiều thành phố khắp nước Anh trong đó có London, Birmingham, Bristol, Liverpool và Newcastle.
"Đường phố này là của ai? Của chúng ta!" đám đông hô vang trong cuộc biểu tình tập trung vài nghìn người ở Walthamsotw, đông bắc London. Một số người cầm biểu ngữ đề chữ "Hãy ngăn phe cực hữu lại".
"Tôi sống ở khu vực này và chúng tôi không muốn những người đó gây rối trên đường phố nữa. Họ không đại diện cho người dân ở đây", Sara Tresilian, 58 tuổi, nhắc đến phe cực hữu. "Chúng tôi phải biểu đạt thái độ, phải nói lên quan điểm. Quan trọng nhất là phải đứng lên vì bạn bè và hàng xóm".
Andy Valentine, phó trợ lý ủy viên cảnh sát Vùng đô thị London, cảm ơn "cộng đồng dân cư đã thể hiện tinh thần đoàn kết khắp thủ đô tối nay".
Tại Sheffield, các nhà hoạt động hô vang "Hãy nói to, hãy nói rõ, ở đây chào đón người tị nạn". Còn ở Birmingham, hàng trăm người biểu tình chống phân biệt chủng tộc đã tụ tập bên ngoài một trung tâm hỗ trợ người di cư, trong khi ở Brighton, khoảng 2.000 người đã xuống đường biểu tình ôn hòa.
Một số vụ chạm trán xảy ra như tại thành phố Aldershot ở phía nam nước Anh, cảnh sát phải can thiệp khi người biểu tình chống phân biệt chủng tộc đụng độ với một nhóm cực hữu la hét khẩu hiệu "Hãy ngăn chặn thuyền chở người nhập cư".
Chính phủ đã triển khai 6.000 cảnh sát ứng phó khoảng 100 cuộc biểu tình của phe cực hữu và phe chống phân biệt chủng tộc. Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper gửi lời cảm ơn "toàn thể lực lượng cảnh sát đang làm việc để bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng địa phương".
Bạo lực đã nổ ra tại nhiều thành phố Anh sau khi 5 bé gái bị thương và ba bé gái 9 tuổi, 7 tuổi và 6 tuổi, bị đâm chết trong lớp học múa ở Southport, tây bắc nước Anh hôm 29/7. Thông tin thất thiệt về nghi phạm tấn công là người tị nạn Hồi giáo được chia sẻ khắp mạng xã hội. Thực tế, cảnh sát Anh thông báo nghi phạm là Axel Rudakubana, 17 tuổi, sinh ra ở Wales.
Người biểu tình ném gạch đá, pháo sáng vào cảnh sát, phóng hỏa ôtô, tấn công nhà thờ Hồi giáo và hai khách sạn là nơi ở của người xin tị nạn. Thủ tướng Keir Starmer cảnh báo bất kỳ ai gây rối sẽ phải đối mặt với "luật pháp cứng rắn", kể cả người kích động trên mạng xã hội.
Cảnh sát cho rằng tình trạng hỗn loạn hiện nay liên quan tới những người từng thuộc Liên đoàn Phòng vệ Anh (EDL), tổ chức cực hữu bài Hồi giáo được thành lập cách đây 15 năm và hiện không còn tồn tại. Những người ủng hộ tổ chức này từng có liên quan đến nạn hooligan bóng đá.
Hỗn loạn kéo dài hơn một tuần đã khiến gần 430 người bị bắt và ít nhất 120 người bị truy tố, đồng thời khiến một số quốc gia cảnh báo công dân thận trọng khi tới Anh.
Hồng Hạnh (Theo AFP)