Đó là thông điệp mà một số tên tuổi lớn nhất trong làng bóng đá xứ sương mù, từ Bobby Robson cho đến Geoff Hurst, đưa ra gần đây, sau khi chứng kiến dòng chảy cầu thủ ngoại đổ về Anh dữ dội chưa từng có trong những ngày hè năm nay.
Về cơ bản, hợp đồng bản quyền truyền hình mới (có trị giá kỷ lục 2,3 tỷ bảng) và một lượng lớn chưa từng thấy các ông chủ ngoại (đồng nghĩa với những mức lương khổng lồ) đã biến Premiership thành "miền đất hứa" đối với các cầu thủ ngoại. Theo những con số tính được cho đến lúc này của mùa chuyển nhượng đã có 331 cầu thủ mới gia nhập Ngoại hạng mùa giải 2007-2008 là những người nước ngoài, tương đương 60 % số lượng tân binh mà các CLB đã mua về.
Con số này ở nhóm 4 đội hàng đầu thậm chí đã lên tới 72 %, với những bản hợp đồng đình đám như Fernando Torres (đắt nhất lịch sử Liverpool), Eduardo Da Silva (bản hợp đồng đáng giá nhất Arsenal mùa hè này), Florent Malouda (đắt giá nhất của Chelsea tính đến lúc này của mùa chuyển nhượng), rồi cả Nani, Anderson bên phía MU nữa...
![]() |
Liverpool - một trong những ngọn cờ đầu trong trào lưu mua sắm cầu thủ ngoại ở Ngoại hạng Anh. |
"Nếu chúng ta cứ duy trì cái đà mua sắm ngoại binh như hiện nay, cơ hội dành cho những tài năng trẻ ở các học viện bóng đá trong nước chắc chắn sẽ ngày càng ít đi. Tương lai do vậy có thể sẽ rất ảm đạm", huyền thoại của bóng đá Anh - Bobby Robson - cảnh báo.
Một cựu người hùng khác, mà hiện là đương kim HLV của Reading, Steve Coppell, cũng phải thừa nhận: "Trong một thời điểm nhất định, việc mua nhiều ngôi sao ngoại sẽ biến Premier League thành giải đấu hấp dẫn nhất thế giới. Bởi, tại đây chúng ta đang có những cầu thủ thuộc dạng hay nhất thế giới. Nhưng, nếu các cầu thủ Anh không được chơi ở Premier League, liệu rằng đội tuyển chúng ta có trở nên hùng mạnh được chăng?"
Những lo ngại của Steve Coppell không phải là vô căn cứ. Thậm chí nhận được sự đồng tình của chính Geoff Hurst - người hùng góp công đưa tuyển Anh đến với chức vô địch World Cup duy nhất trong lịch sử bóng đá nước này cho đến nay (năm 1966, trên sân nhà). "Sven Goran Eriksson đã phải gọi cả một cầu thủ nhí là Theo Walcott để chuẩn bị cho World Cup năm ngoái", Hurts nói. "Điều đó cho thấy chúng ta đang thiếu người có khả năng cho đội tuyển quốc gia".
Tính từ năm 1992 (thời điểm Ngoại hạng Anh ra đời), tuyển Anh mới chỉ một lần lọt vào đến bán kết của một giải đấu quan trọng - Euro 1996 trên sân nhà. Trái ngược với đó là những giây phút huy hoàng của người Italy - nơi giải Serie A của họ có tới 60 % cầu thủ đang góp mặt là những người bản địa. Cũng trong quãng thời gian 15 năm qua, đất nước hình chiếc ủng đã có tới ba lần lọt vào đến chung kết của các giải đấu quan trọng (một tại Euro 2000 và hai tại World Cup 1994 và 2006).
Không phải là các nhà làm bóng đá ở xứ sương mù không ý thức được mặt tiêu cực của việc các CLB mua sắm ồ ạt các ngoại binh. Có thời điểm họ đã đặt ra mục tiêu đưa số cầu thủ nội thi đấu tại Ngoại hạng lên mức 60-70 %. Tuy nhiên, mọi chuyện quả không đơn giản và đã không diễn ra như họ mong muốn. Vậy nên, cứ cái đà này, tuyển Anh hẳn là sẽ còn "bết bát" dài dài trên đấu trường quốc tế.
Hà Uyên