Tổng kết công tác năm 2014, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết, sau hơn 3 tuần thành phố ra quân đã đưa được 150 người ăn xin, lang thang vào trung tâm bảo trợ xã hội. Hiện, tình trạng người ăn xin ở trung tâm thành phố đã giảm mạnh, không còn ngang nhiên đi lại xin tiền; các ngã tư, công viên, bệnh viện hầu như không còn. Tuy nhiên, cũng còn một vài trường hợp dùng cách thức tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Theo ông Chu Lê Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, người ăn xin không có nơi cư trú ổn định hiện tập trung nhiều tại các khu vực vùng ven TP HCM như quốc lộ 22, khu vực gần bến xe An Sương (huyện Hóc Môn), ngã tư Gò Mây, ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân), khu vực quận 8, huyện Bình Chánh...
UBND các quận, huyện trên địa bàn TP HCM được chỉ đạo phải thường xuyên kiểm tra, rà soát trên địa bàn vào giờ cao điểm để phát hiện đưa người ăn xin vào các trung tâm. Đối với những người chăn dắt, các địa phương cũng được yêu cầu tập trung phát hiện, xử lý sớm.
Sau khi đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, người lang thang được nuôi dưỡng và chờ xác minh nơi cư trú. Tại đây, họ có khẩu phần ăn khoảng 30.000 đồng một ngày, số tiền này được trích từ ngân sách thành phố.
Trước đó, ngày 28/12/2014, TP HCM ra quân tập trung người ăn xin lang thang, không nơi cư trú vào trung tâm bảo trợ xã hội. Qua hơn 3 tuần triển khai, số lượng người ăn xin được lực lượng chức năng đưa về khoảng 5-10 người mỗi ngày.
Động thái này của chính quyền thành phố được cho là việc làm rất nhân văn. "Trước mắt, không để người ăn xin ở ngoài đường sống lây lất mà đưa họ vào trung tâm hỗ trợ xã hội có chỗ ăn, chỗ ở ổn định. Lâu dài, thành phố quyết tâm dọn dẹp những hình ảnh xấu nhằm giữ hình ảnh TP HCM văn minh, hiện đại trong mắt bạn bè quốc tế và để người dân đón Tết an vui”, Phó chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết.
Duy Trần