Đàn ông, đàn bà, trẻ em tụ tập bên bờ sông Hằng tại thành phố cổ Haridwar, bang Uttarakhand, hôm 12/3 để dự lễ hội Maha Shivaratri, một trong những lễ hội tôn giáo nổi tiếng và rực rỡ nhất Ấn Độ, thuộc một phần của lễ Kumbh Mela.
Các nhà chức trách Haridwar ước tính khoảng 2,5 triệu người dự lễ năm nay. Trước bình minh, hàng trăm nghìn người xếp hàng dọc theo bờ sông trước khi nhảy xuống dòng nước, cầu nguyện và rải hoa xuống sông.
Điểm nhấn trong lễ hội là lễ rước của hàng trăm Naga Sadhus, các thánh nam khỏa thân có mái tóc xoăn dài, bôi tro khắp người trước khi xuống ngâm mình trong dòng nước thiêng ở chân núi Himalaya.
Chính quyền Ấn Độ hạn chế số lượng người tham gia lễ hội ở nhiều địa điểm trên toàn quốc vì Covid-19, yêu cầu người tham gia phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính. Tại thành phố Haridwar, chính quyền liên tục phát loa yêu cầu người dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, trong khi hàng trăm tình nguyện viên phun nước sát khuẩn vào người hành hương.
Nhưng trước tình hình số ca Covid-19 ở Ấn Độ giảm mạnh trong những tháng gần đây và cuộc sống gần như đã quay lại bình thường, rất ít người đeo khẩu trang khi tham gia lễ hội.
"Đại dịch không đáng sợ và mọi người tự do đi lại. Ấn Độ đã đánh bại dịch bệnh và không có gì phải lo lắng", người hành hương Nitesh Kumar, 31 tuổi, nói.
"Tôi đã chờ đợi ngày này nhiều năm nhưng, ban đầu ngỡ nó sẽ bị hủy vì đại dịch. Có điều niềm tin của chúng tôi mạnh mẽ hơn Covid-19", Rishab, một người hành hương khác, nói.
Ấn Độ ghi nhận hơn 11 triệu ca nhiễm nCoV, cao thứ hai thế giới, và gần 160.000 ca tử vong. Quốc gia này ghi nhận gần 23.00 ca nhiễm mới hôm 11/3, giảm mạnh so với đỉnh điểm gần 100.000 ca hồi tháng 9/2020, nhưng vẫn cao gấp đôi so với hồi tháng 1.
Số ca nhiễm đang tăng trở lại ở một số khu vực, đặc biệt ở bang Maharashtra phía tây đất nước và thành phố Mumbai, nơi chính quyền đã áp đặt lại các biện pháp hạn chế.
Người Ấn Độ tin rằng tắm ở sông Hằng sẽ tẩy sạch mọi tội lỗi và cứu rỗi tâm hồn. Theo thần thoại Ấn Độ, các vị thần và ác quỷ đã chiến đấu để tranh giành chiếc bình thiêng chứa mật hoa bất tử. Những giọt rớt khỏi bình rơi xuống 4 nơi, hiện lần lượt là các địa điểm tổ chức lễ Kumbh Mela.
UNESCO, tổ chức Di sản Văn hóa Phi vật thể của Liên Hợp Quốc, công nhận Kumbh Mela là di sản văn hóa phi vật thể năm 2017. Lễ Kumbh Mela năm 2019 thu hút khoảng 55 triệu người hành hương trong hơn 48 ngày.
Hồng Hạnh (Theo AFP)