Người Hy Lạp sử dụng chữ cái và các ký hiệu phụ để thể hiện con số. |
Một cuộc phân tích do tiến sĩ Stephen Chrisomalis tại Đại học McGill ở Montreal, Canada, đã tìm thấy sự tương đồng một cách kỳ lạ giữa chữ số Hy Lạp và con số thông dụng của Ai Cập, sử dụng từ cuối thế kỷ 8 trước Công nguyên cho đến năm 450 sau Công nguyên.
Cả 2 hệ thống đều có 9 ký hiệu cơ bản diễn đạt từ 1 đến 9. Cả hai đều thiếu biểu tượng số không. Tiến sĩ Chrisomalis cho rằng đợt bùng phát giao thương giữa Hy Lạp và Ai Cập sau năm 600 trước Công nguyên đã dẫn đến việc người Hy Lạp mượn hệ số đếm của Ai Cập.
Giáo sư David Joyce, nhà toán học tại Đại học Clark ở Worcester, Mỹ, phát biểu: "Người Ai Cập ban đầu sử dụng chữ số thầy tu, sau đó là chữ số thông dụng, mà ở đó các ký hiệu bội số trông giống như các ký hiệu đơn. Thay vì 7 nét dọc, một dạng nét cong đã được sử dụng. Đó là nét tương đồng cũng được sử dụng trong chữ số Hy Lạp".
Theo quan niệm trước đây, hệ số đếm được người Hy Lạp phát triển ở đông Tiểu Á, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Vào khoảng năm 475 - 325 trước Công nguyên, hệ thống chữ số này không được ưa chuộng bằng số acrophonic. Nhưng từ thế kỷ 4 trước Công nguyên trở đi, chữ số lại được ưa chuộng trong thế giới nói tiếng Hy Lạp. Nó được sử dụng cho đến khi đế quốc Byzantine sụp đổ vào thế kỷ 15.
Minh Thi (theo BBC)