Các phương pháp trang điểm và làm sạch cơ thể của người Ai Cập cổ đại là tiền đề cho nhiều loại xà phòng, mỹ phẩm và nước hoa phổ biến sau này.
Đàn ông và phụ nữ cạo đầu để ngăn chấy
Để hạn chế chấy rận và bọ xít ký sinh, người Ai Cập từng cạo trọc đầu và đội tóc giả làm bằng lông ngựa. Giới thượng lưu sở hữu nhiều bộ tóc giả để sử dụng trong các dịp khác nhau.
Tóc giả cũng là công cụ hữu hiệu dưới thời tiết nóng nực đặc trưng của khu vực này. Người nghèo thường sử dụng khăn trùm đầu hoặc giấy cói thay cho tóc giả. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu vẫn tìm thấy một số xác ướp nhiễm chấy.
Làm sạch cơ thể từ bên trong bằng thuốc nhuận tràng
Quá trình ướp xác công phu khiến cho người Ai Cập tò mò về cơ thể và cố gắng tìm hiểu thêm về sức khỏe con người. Thời kỳ này, giống như các linh mục, bác sĩ cũng coi bệnh tật là yếu tố xúc phạm các vị thần. Chính vì vậy, họ khuyến khích người dân làm sạch ruột bằng thuốc tẩy và thuốc nhuận tràng.
Người Ai Cập uống thuốc 3 lần một tháng, tin rằng điều này giúp loại bỏ bệnh tật khỏi cơ thể. Để chữa bệnh tiêu chảy, người dân sử dụng dầu thầu dầu. Họ cũng dùng các loại máy thụt rửa và đến chuyên gia để kiểm tra hậu môn đều đặn.
Chú trọng vệ sinh răng miệng
Để làm sạch răng miệng, người Ai Cập cổ đại nghiền nhỏ các nguyên liệu tự nhiên như muối, hoa và bạc hà thành bột, sau đó dùng ngón tay để đánh lên răng. Hỗn hợp này đặc lại khi trộn lẫn với nước bọt. Về sau, họ tạo ra bàn chải đánh răng bằng cách buộc những dải cây mỏng lên trên một chiếc que.
Người Ai Cập cổ đại không cần lo lắng đến căn bệnh sâu răng do khẩu phần ăn ít đường. Tuy nhiên, cát sa mạc có thể làm mòn răng của người dân. Các nhà khoa học đã phát hiện ra các bằng chứng về việc, người Ai Cập cổ đại thực hiện các liệu pháp nha khoa như trám răng hoặc nẹp răng. Một số xác ướp còn có dấu hiệu trồng răng.
Khử mùi cơ thể bằng thảo mộc
Để giữ hương thơm tự nhiên cho cơ thể, người Ai Cập đã nghiền các loại thảo mộc như hoa và rễ cây thành một hỗn hợp đặc sệt, kết hợp với dầu để tạo ra kem bôi cơ thể. Các nhà khoa học phát hiện, công thức cho một số loại "lăn khử mùi" tự chế bao gồm hạt ngũ cốc, mai rùa nghiền nhỏ, trứng đà điểu, thậm chí có nhựa thông công nghiệp được dùng ngày nay.
Hỗn hợp khử mùi này không chỉ được sử dụng cho nách. Một số phụ nữ Ai Cập còn trộn với sáp để bôi lên đầu. Dưới sức nóng của ánh nắng mặt trời, sáp sẽ tan chảy, có công dụng khuếch tán mùi hương. Nhiều người cũng dùng quế hoặc nhũ hương để tăng thêm mùi thơm.
Trong khi đó, để giảm mùi hôi miệng, người Ai Cập cổ đại thường nhai rau mùi tây sau mỗi bữa ăn. Họ cũng tự chế các loại kẹo ngậm từ bạc hà. Quá trình này tương đối phức tạp. Mật ong được đun nhỏ lửa trộn với húng bạc, quế, nhũ hương, hạt điều và hạt thông. Các nhà khảo cổ tin rằng, một số món ăn được tìm thấy trong di chỉ Ai Cập cổ đại có thể là loại kẹo ngậm tự chế này.
Bôi kem chống nắng và dưỡng ẩm sau khi tắm
Người Ai Cập cổ đại chăm sóc da thường xuyên để thích nghi với khí hậu nắng nóng quanh năm. Sau khi tắm, phụ nữ và cả đàn ông bôi mỡ động vật với hàm lượng chất béo cao để giữ ẩm cho da. Mật ong và dầu thầu dầu được dùng để ngăn ngừa sẹo và tránh lão hóa.
Một số loại kem bôi của người Ai Cập cổ đại có công dụng như kem chống nắng, đồng thời giúp ngăn ngừa côn trùng. Trong khi tầng lớp thượng lưu thường mua kem ở chợ, những người nghèo hơn tự chế kem tại nhà với các nguyên liệu sẵn có.
Dùng lúa mạch để thử thai
Tài liệu y học thời kỳ Ai Cập cổ đại cho thấy, phụ nữ đã biết cách tự thử thai tại nhà. Họ trồng hai hạt lúa mạch và lúa mì vào mẫu nước tiểu. Nếu hai hạt lúa đều không phát triển, người phụ nữ không mang thai. Nếu lúa mạch nảy mầm, đó là bé trai. Nếu hạt lúa mì nảy mầm, một bé gái sẽ ra đời.
Hình thức thử thai này nghe hoang đường nhưng trên thực tế khá hiệu quả. Vào cuối thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu đã cố gắng xác minh độ tin cậy của kỹ thuật và chỉ ra rằng, một nửa số lúa mạch hoặc lúa mì được trồng trong nước tiểu của phụ nữ có thai đã nảy mầm. Trong khi đó, lúa mạch trong nước tiểu của đàn ông hoặc phụ nữ không có thai đều không phát triển.
Thục Linh (Theo Ranker)