Năm 2011 đối với nhà báo Trần Tuấn, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, rất đặc biệt. Vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 100, bước sang tuổi 101 của đại tướng, anh đã kịp hoàn thành cuốn sách ảnh "101 khoảnh khắc về đại tướng Võ Nguyên Giáp". Đầu tháng 8, anh cũng vừa hoàn tất triển lãm ở 5 tỉnh thành. Hầu hết bức ảnh trong sách và triển lãm của anh chưa từng được công bố.
Anh Tuấn kể, lúc mới là phóng viên ảnh trẻ tuổi của Thông tấn xã, anh được phân công đi ban thống nhất miền Nam, tham dự Chiến dịch Hồ Chí Minh, sau đó ở lại Huế xây dựng phân xã sau giải phóng. Chính tại đây, Trần Tuấn được gặp đại tướng lần đầu vào năm 1976, theo chân đại tướng khi ông vào thăm lại chiến trường miền Nam.
"Ngay lần đầu chụp ảnh đại tướng, ngoài lòng ngưỡng mộ, yêu kính có sẵn, tôi biết rằng giữa tôi với đại tướng còn là cái duyên. Tôi ý thức mình sẽ chụp và lưu giữ những khoảnh khắc bình dị, những cử chỉ ân cần, ngày thường của ông đối với người dân", Trần Tuấn nói.
![]() |
Tấm ảnh chụp đại tướng nghỉ trưa tại Củ Chi, giây phút đáng ra thư giãn song ánh mắt của đại tướng vẫn khắc khoải, lo lắng. Ảnh: Trần Tuấn. |
Sau chuyến đi dài ngày năm 1976 với đại tướng, anh được trở lại Hà Nội, thường xuyên có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với người. Anh nhớ như in câu nói của đại tướng khi tới thăm ông: "Tôi quý anh Tuấn, khi nào tôi đi đâu thì tôi đề nghị văn phòng báo để anh Tuấn có thể đi cùng". Câu nói đã mở ra quãng đời hơn 30 năm anh theo chân đại tướng khắp các chuyến công tác trong và ngoài nước, để lại trong anh nhiều kỷ niệm.
Đáng nhớ nhất là chuyến đi công tác dài ngày ở miền Nam năm 1996. Lúc ở Vũng Tàu, Trần Tuấn bị đau ruột thừa cấp, đại tướng gọi bác sĩ riêng của ông tới khám, sau đó anh phải mổ và mất một tuần để phục hồi. Chuyến công tác của đại tướng cũng vì thế mà bị chậm lại. "Suốt thời gian đó đại tướng rất lo lắng, hỏi tôi có cần đưa vợ ở Hà Nội vào chăm sóc hay cho máy bay đưa về TP HCM để mổ không... Lúc tôi hồi phục, ông chụp chung với tôi tấm ảnh và ký tặng tôi bằng chữ ký hồi ông còn làm Tổng tư lệnh. Ông còn dặn dò tôi kiêng thức ăn này, thức ăn nọ để vết sẹo không bị lồi", phóng viên ảnh Trần Tuấn nhớ lại.
Là phóng viên duy nhất đi cùng đại tướng trong nhiều chuyến công tác, đặc biệt là các chuyến đi dài ngày, anh Tuấn đã có cơ hội ghi lại những khoảnh khắc độc đáo về đại tướng. Một trong những tấm hình anh ưng ý nhất là khoảnh khắc tướng Giáp nghỉ trưa trên chiếc võng mắc vội ở bụi tre khi đi qua huyện Củ Chi (TP HCM), hay tấm hình chụp vội đại tướng thăm quán nước của chị Trần Thị Tỉnh, diễn viên ca múa nhạc kịch tỉnh Hà Tuyên. Chị Tỉnh tranh thủ bán ngoài giờ làm việc để nuôi gia đình...
Trần Tuấn bảo, để sống với đam mê ghi lại hình ảnh đại tướng, anh đã bỏ qua nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Suốt nhiều năm bao cấp, kéo dài tới giữa những năm 1990, công việc của anh gần như thầm lặng. Hàng nghìn tấm ảnh chụp đại tướng không công bố mà chỉ giữ lại như tài sản cá nhân. "Ngoài công việc được phân công, việc tôi đeo đuổi ghi lại hình ảnh về đại tướng hoàn toàn xuất phát từ đam mê cá nhân. Đồng lương được bao nhiêu chỉ để dành mua phim chụp, vì đó không phải là công việc được cơ quan giao", anh cho biết.
![]() |
Nhà báo, nghệ sĩ Trần Tuấn và đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Tuy nhiên, tay máy kỳ cựu này chưa bao giờ thấy hối hận hay tiếc nuối với đam mê của mình. Thành quả anh có được là hàng nghìn tấm phim về đại tướng mà anh cất giữ như một kho báu đầy trong ngăn tủ ở phòng làm việc. "Có người nhận xét rằng, nhìn tôi chụp đại tướng không phải là chụp cho một vị lãnh đạo mà như người con đang chụp cho cha mình. Tôi nghiệm thấy điều đó rất đúng", anh nói.
Sau 40 năm làm báo, anh chiêm nghiệm, những điều hằng ngày diễn ra tưởng như bình thường, quen mắt, đơn giản nhưng nếu lưu giữ một cách có ý thức thì đều trở thành có giá trị. Anh thanh thản vì việc mình làm xuất phát từ sự yêu mến, từ "cái duyên" với đại tướng và ý muốn làm sao có nhiều ảnh về người. Những năm gần đây, anh ấp ủ mở triển lãm và làm sách ảnh về đại tướng, song tới tận cuối năm 2010, anh mới được ông cho phép.
"Nhiều lần tôi hỏi ý kiến nhưng ông nói rằng chưa cần mà trước hết nên làm về những chiến sĩ, thương binh, những người đã hy sinh vì tổ quốc", Trần Tuấn nói.
Nguyễn Hưng