Cơn mưa miền biên ải ào ào đổ, con suối quanh bản Cha Khót vừa róc rách chảy bỗng chốc sôi lên ùng ục, nước cuộn đục ngầu. Đợi cho ngớt mưa, ông Hợi dắt con dao, cầm thêm cái chổi rồi vơ chiếc mũ, tiến vào rừng.
Đường từ bản tới cột mốc 331 nơi ông làm nhiệm vụ trông coi dài 4 km. Ông Hợi men theo khe suối, vạch từng tán lá rừng mà đi, phút chốc người ướt đẫm nước. Gần hai giờ đi bộ, cột mốc 331 phân chia đường biên giới đất liền giữa Việt Nam và Lào hiện ra trước mắt.
Ông đứng nghiêm, giơ tay chào cột mốc như một người lính, rồi cầm dao phát những lùm cây, bụi cỏ dại bắt đầu mọc cao quanh khu vực cắm mốc. Quét sạch lá cây, đắp những chỗ bị nước mưa làm cho xói mòn xong, ông tỉ mẩn đi vòng quanh xem từng vết sơn khắc cột mốc có bị mờ hay thân mốc có sứt mẻ, bị phá hoại gì không.
Không thấy gì khác lạ, ông mới dựng con dao và chiếc chổi cạnh chân mốc rồi ngồi nhìn sang phía bên kia biên giới. Tạnh mưa, sương bay là là đỉnh núi. Đứng bên này có thể nhìn thấy toàn bộ vùng Hủa Phăn (Lào) rộng mênh mông, bản Lán Thoong phía bên kia lác đác những mái nhà.
Ông Hợi là già làng có uy tín, đến đây sinh sống trước khi bản Cha Khót thành lập. Ông vốn người Yên Khương (Lang Chánh), theo gia đình di cư từ năm 4 tuổi, lang thang dựng nghiệp ở khắp vùng Quan Sơn rồi mới dừng chân đất Na Mèo này. Không phải người gốc ở đây, nhưng ông thuộc từng bờ cây, con suối.
Người đàn ông 67 tuổi, tóc muối tiêu tình nguyện nhận công việc trông coi cột mốc 331 đã 35 năm nay. Năm 1978, bộ đội biên phòng Việt Nam kết hợp với bộ đội biên phòng nước bạn tiến hành phân giới, cắm mốc toàn bộ đường biên giới Việt - Lào. Cột mốc H3 (nay đổi tên là cột mốc 331) nằm trên địa bàn bản Cha Khót (xã Na Mèo) phân định đường biên giới dài khoảng 5 km giữa Việt Nam và Lào.
Hưởng ứng cuộc vận động nhân dân biên giới tham gia bảo vệ cột mốc của bộ đội biên phòng Thanh Hóa, ông Hợi nhận trông coi mốc 331. Bản Cha Khót cách đồn biên phòng hơn 20 km. Đường tuần tra quanh co, bên là vách núi, bên là suối sâu. Ngày mưa thì chỉ có thể dựng xe ở con dốc đầu suối mà đi bộ vào. "Bố thương bộ đội biên phòng đi lại vất vả nên nhận, coi như đỡ đần công việc với các chú ấy", người đàn ông Thái thật thà.
Đường lên cột mốc là lối mòn nhiều đoạn suối cắt ngang, núi đá lởm chởm. Nhiều lúc bị dây rừng níu chân rồi vấp ngã, ông ngồi nghỉ một lúc rồi lấy sức đi tiếp. 35 năm xuyên rừng, bám núi, chân tay ông bị gai cứa không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần thăm cột mốc về, nếu thấy bị mờ sơn, sứt mẻ, ông đều báo lại để đồn biên phòng có phương án khắc phục. Có lần, phát hiện người dân phía bên kia sang đốt nương làm rẫy, ông Hợi giải thích cho họ đó là việc làm sai rồi khuyên họ nhanh chóng trở về.
Ông bảo, hầu như người dân ở đây trình độ còn hạn chế, phải kiên trì giải thích . Lúc đầu còn khó khăn, sau cũng ổn. "Bố phải làm cho họ hiểu chúng ta là anh em, bạn bè chứ", ông Hợi vừa nói, vừa cười khà khà. Dịp lễ tết, ông còn qua cửa khẩu "đi sứ" sang bên bản Lán Thoong, tặng gói chè, bộ tách chén làm quà để thắt chặt thêm tình hữu nghị hai bên.
Bộ đội biên phòng làm công tác tuần tra biên giới thường xuyên, nhưng ông vẫn chăm chỉ góp sức. Thời trai trẻ, có khi ông đi một tuần một lần. Giờ có tuổi rồi, ông đi hai tuần một lần, nhưng thời gian không cố định. " Khi nào thấy buồn, thấy nhớ lại lên thăm nó". Ông coi cột mốc như một phần của đời mình vậy.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Dũng, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo quản lý 30 km đường biên, với 13 vị trí trên 16 mốc, trải dài trên địa bàn phức tạp. Việc làm của ông Hợi vừa giúp bộ đội biên phòng chủ động trong công tác tuần tra bảo vệ cột mốc, vừa tuyên truyền cho đồng bào ý thức bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
"Nhiều năm liền có sự tham gia bảo vệ cột mốc của bố Hợi, khu vực biên giới cắm mốc 331 chưa xảy ra vấn đề bị xâm hại. Công việc của bố hoàn toàn tự nguyện nên không có chế độ gì. Hàng năm, đồn tặng mũ bông, áo bông, giày ấm để bố tiếp tục công việc của mình", Thượng tá Dũng cho hay. Ngoài ra, mỗi năm bộ đội biên phòng tỉnh tặng ông một suất quà Tết trị giá 200 nghìn đồng để động viên.
Nhiều người biết chuyện ông bỏ cả đời người gắn bó với cột mốc biên giới, thắc mắc đó là việc của bộ đội biên phòng, ông làm không công thì ở nhà nghỉ cho khỏe. Vị già làng cười xuề xòa, bảo: "Nếu vì tiền thì bố đã không làm. Bảo vệ mốc cũng không có gì nặng nhọc, cũng chỉ như một chuyến đi rừng thôi mà. Biên phòng nhiều việc lắm, mình góp thêm một chút công sức". Ông bảo, đó còn là trách nhiệm của một người con miền biên ải nên thấy vui trong lòng. Đứng ở nơi bước chân là sang đến nước khác, mỗi lần chạm tay vào cột mốc, lại thấy ý thức sâu sắc hơn về chủ quyền dân tộc.
Vợ ông, bà Vi Thị Cượm mỗi lần thấy chồng mang theo "đồ nghề", chuẩn bị bước ra khỏi nhà lại càu nhàu. Ông nghe mãi thành quen, giờ bà cũng không nói nữa mà chuẩn bị cho ông một nắm cơm nếp với chút thức ăn để mang đi ăn dọc đường cho đỡ đói. Mỗi lần đi thăm cột mốc, ông đều đem theo một chiếc chài nhỏ, lúc về xuống suối kiếm cá ăn.
Có nhiều người khuyên ông tuổi cao rồi thì đừng đi nữa, hoặc để công việc cho người khác làm, nhưng đôi chân quen đi rừng, đôi tay quen bám núi không đi thì nhớ. Ông bảo, thôi thì cứ làm, đến khi nào "sang bên kia" thì mới hết đi thăm cột mốc.
Hoàng Phương