Phiên phúc thẩm mở ngày 16/8 tại trụ sở TAND tỉnh Bắc Giang.
HĐXX trích xuất một phạm nhân bị giam giữ cùng bị cáo Phượng đến đối chất và triệu tập 19 người làm chứng. Song 3 nhân chứng, đều là người sống cùng làng với bị cáo và mẹ, đã vắng mặt.
Luật sư Đinh Anh Tuấn, bào chữa cho bị cáo Phượng, nói vụ án kéo dài nhiều năm, trải qua nhiều phiên xét xử, thân chủ bị giam đã hơn 10 năm. Các nhân chứng vắng mặt đã có lời khai, do đó luật sư kiến nghị HĐXX tiếp tục phiên tòa.
Luật sư đề nghị HĐXX triệu tập giám định viên tư pháp Bộ Công an do liên quan kết quả giám định về tồn dư thức ăn trong dạ dày nạn nhân. "Con dao quắm, hung khí của vụ án, cũng cần thiết được trích xuất để làm rõ cơ chế hình thành vết thương vì dấu vết trên cơ thể không phù hợp với toàn bộ cơ chế gây án mà ông Phượng đang bị cáo buộc", ông Tuấn nêu quan điểm.
Luật sư Trần Văn An, cùng bào chữa cho bị cáo Phượng, đề nghị HĐXX triệu tập 3 điều tra viên trong giai đoạn một của vụ án (trước khi có quyết định Giám đốc thẩm) và một điều tra viên của giai đoạn hai; triệu tập kiểm sát viên và Chủ tọa của phiên xét xử sơ thẩm lần hai, với lý do những kiến nghị của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao không được cấp sơ thẩm thực hiện, hoặc thực hiện chưa đầy đủ.
Khi được tòa hỏi ý kiến, bị cáo Phượng xin hoãn xét xử.
Đại diện VKSND Cấp cao nhận định vụ án phức tạp, kéo dài, bị cáo hiện kêu oan. Việc vắng mặt một số người khiến "chưa đủ điều kiện để tiếp tục phiên tòa". Công tố viên đề nghị hoãn xét xử, và trong phiên tòa mở lại, HĐXX cần áp dụng mọi biện pháp để triệu tập cá nhân liên quan, gồm điều tra viên, kiểm sát viên và giám định viên như đề nghị của luật sư.
Sau thời gian hội ý, chủ tọa Ngô Tự Học thông báo hoãn xét xử, sẽ cân nhắc các kiến nghị của luật sư và đại diện VKS. Thời gian mở lại phiên tòa chưa được công bố.
Theo 3 bản án trước đó, gia đình ông Phượng sống cùng mẹ Nguyễn Thị Vui tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Cuối năm 2009, vợ chồng ông Phượng vay mẹ đôi hoa tai vàng 1,5 chỉ để lo cho con đi xuất khẩu lao động.
Năm 2011, khi con trai về, vợ ông Phượng tiếp tục đi xuất khẩu lao động. Tháng 9/2012, con dâu bắt đầu gửi tiền về. Đầu tháng 10/2012, ông Phượng trả vàng nhưng mẹ nghi ngờ hàng giả. Hai người to tiếng.
Hôm sau, khi đi làm thuê về lúc trưa, người con đã cầm dao đoạt mạng mẹ già đang nằm trên giường, cáo trạng nêu.
Hai lần xét xử sơ và phúc thẩm năm 2013, bị kết án tử hình về tội Giết người, Phượng đều kêu oan, khẳng định không giết mẹ. Ba năm sau, ngày 30/8/2016 Viện trưởng VKSND Tối cao có kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Kết quả điều tra cuối năm 2016 chỉ ra 7 thiếu sót, mâu thuẫn cần điều tra lại. Bao gồm: thời gian gây án của bị cáo và thời gian chết của bà Vui còn mâu thuẫn; vết máu ở hiện trường chưa được làm rõ; chiếc áo phông dính máu nạn nhân thu tại hiện trường chưa chắc là chiếc áo Phượng mặc hôm đó; động cơ giết người cần điều tra lại...
Cho rằng việc kết tội có cơ sở, trong phiên sơ thẩm lần hai mở tháng 8/2019, TAND tỉnh Bắc Giang lần thứ 3 tuyên án tử hình. Ông Phượng khẳng định sẽ "trường kỳ chống án".
Trước phiên tòa hôm nay, luật sư Đinh Anh Tuấn, bào chữa cho ông Phượng đã gửi kiến nghị tới Chánh án TAND Tối cao, trong đó có nội dung về thực nghiệm điều tra để xác minh chính xác thời gian chết của bà Vui. Điều này đã được nêu trong quyết định giám đốc thẩm, song chưa được cơ quan điều tra thực hiện.
Do quá trình kêu oan, ông Phượng nhiều lần khai về nhà trưa hôm đó đã thấy mẹ chết trên giường với nhiều thương tích, máu đã ngả thâm đen. Các nhân chứng cho biết, có mặt tại nhà ngay sau đó thấy máu đã đông thâm đen.
Theo luật sư, cáo trạng quy kết bị cáo về nhà lúc giữa trưa và xuống tay giết mẹ ngay, các nhân chứng tới hiện trường sau đó chỉ vài phút mà máu đã đông và ngả màu là chưa hợp lý. Luật sư đã cung cấp cho tòa sơ thẩm tài liệu từ bác sĩ pháp y độc lập với nhận định thời gian để máu người chảy khỏi vết thương chuyển thâm đen sẽ mất 1-3 giờ, đồng nghĩa "bà Vui chết trước khi con về nhà".
Hải Thư