Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 30/3 cho biết bệnh nhân bị ngộ độc nặng do độc tố cua mặt quỷ.
Theo người nhà, ngày 27/3 ông này trong chuyến đi biển ăn 1-4 con cua, loài cua mặt quỷ được dân địa phương gọi là còng chữ thập. Sau ăn khoảng 2 giờ, ông mệt, nôn, tê bì miệng, lưỡi, chân tay, được thuyền viên đưa vào bờ, cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hợp Lực Tĩnh Gia trong tình trạng nói khó, yếu nhẹ tứ chi. Sau đó bệnh nhân không cử động được tay chân, khó thở, suy hô hấp và ngừng tuần hoàn (ngừng tim). Các bác sĩ bệnh viện địa phương hồi sức cấp cứu, ép tim, mạch đập trở lại, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ Nguyên cho biết, khi đến viện Bạch Mai, bệnh nhân đã hôn mê, liệt hoàn toàn, dùng thuốc vận mạch, bóp bóng và đặt nội khí quản. Hiện, bệnh nhân thở máy, hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não.
"Hiện tiên lượng của bệnh nhân rất dè dặt, chưa thể nói trước điều gì", bác sĩ Nguyên nói.
Theo bác sĩ Nguyên, Việt Nam hiện có ít nhất 3 loại cua biển độc là Cua mặt quỷ (tên khoa học là Zosimus aeneus); Cua hạt (Platypodia granulosa) và Cua Phờ lo ri đa (Atergastis floridus), được phân bố ở các vùng biển của miền Trung, Nha Trang và một số vùng khác. Trong phần thịt và trứng của cua có chứa một vài loại độc tố khác nhau, đáng chú ý là độc tố tetrodotoxin, gonyautoxin và saxitoxin.
Đặc điểm của các độc tố này là bền vững với nhiệt, tức là vẫn giữ nguyên sau khi nấu chín. Đây là độc tố cực mạnh với hệ thần kinh, chỉ cần 0,5 mg đã có thể gây tử vong cho người lớn. Khi xâm nhập vào cơ thể, độc tố gây liệt cơ, ban đầu có biểu hiện tê bì môi lưỡi chân tay, sau đó là liệt tất cả các cơ, đồng tử giãn, có thể co giật, tụt huyết áp, loạn nhịp tim. Phần lớn trường hợp tử vong là suy hô hấp do liệt các cơ.
Diễn biến ngộ độc cua mặt quỷ rất nhanh, có thể xuất hiện sau ăn trong vòng vài giờ trở lại. Nhiều trường hợp bệnh nhân ăn ngoài biển, trên tàu, trên đảo, bị ngộ độc và khi đưa vào bờ thì không kịp cứu chữa, đã có trường hợp bị tử vong trên đường tới viện.
Cũng giống như cá nóc, những loại cua này không biết trước độc tố đến mức độ nào, có người ăn có thể không sao. Gia đình bệnh nhân này kể trước đây đã từng ăn loài cua này một vài lần nhưng không xảy ra hiện tượng bất thường, lần này thì bị ngộ độc.
Để phòng tránh nguy cơ ngộ độc, bác sĩ khuyên tuyệt đối không nên ăn loại cua này. Những loại cua lạ, kỳ dị, hình hài khác thường đều không nên ăn.
Người đi biển nên mang theo than hoạt tính dự phòng, trường hợp nghi ngờ ngộ độc thì uống ngay tại chỗ để giải độc. Nên trang bị các phương tiện cấp cứu ban đầu trên tàu, thuyền. Ngư dân cần được tập huấn những kiến thức sơ cứu để có thể xử lý tại chỗ cho bệnh nhân trước khi đưa đến cơ sở y tế gần nhất.