Trước thông tin nhiều trẻ mắc sởi bị biến chứng nặng, thậm chí tử vong, nhiều ông bố bà mẹ vô cùng hoang mang, tìm mọi biện pháp ngừa bệnh cho trẻ. Trên các diễn đàn và mạng xã hội, chủ đề bàn luận về cách ngừa bệnh, tình hình sởi... thu hút rất đông người tham gia, trong đó các bà mẹ có con còn nhỏ, chưa tiêm phòng sởi, hay ốm đau... càng bày tỏ sự lo lắng.
Cậu con trai sốt gần tuần chưa khỏi, chị Ngân (Hoài Đức, Hà Nội) không dám đưa cháu tới viện khám vì sợ bị lây, nhưng khi nhận kết quả bé sốt virus chị cũng không an tâm vì biết nhiều trường hợp trẻ bị sởi ban đầu cũng nhầm bệnh khác. Người mẹ trẻ gọi điện tư vấn, muốn lấy mẫu máu của con đi xét nghiệm xem bé có bị sởi không, nhưng bác sĩ cho hay, chỉ sau hai ngày phát ban, mẫu máu mới cho kết quả dương tính với sởi, nên hiện tại có đi xét nghiệm cũng chưa thể biết chính xác.
"Em bé nhà mình chỉ sốt, quấy khóc, không phát ban, không ho. Nhưng mình vẫn vô cùng lo lắng vì biết đã có trăm trẻ chết vì sởi. Con chị họ mình, từng điều trị nửa tháng ở bệnh viện tỉnh vì sốt virus không đỡ, cuối cùng lên tuyến trên mới phát hiện bị sởi, đã biến chứng viêm phổi nặng, nguy kịch đến tính mạng", chị Ngân nói.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa nay, chị Hoàng Thảo, làm việc tại Cầu Giấy, Hà Nội cùng một số đồng nghiệp ghé qua chợ Nghĩa Tân mua hạt mùi để phòng sởi cho con. "Nghe nói uống nước hạt mùi, tắm nước lá hay hạt mùi nấu lên có thể ngừa bệnh cho con, mình cũng thử, chẳng biết có tác dụng gì không nhưng lúc này, phải làm gì đó mới bớt lo", chị Thảo kể.
Cả nhà chị đã được khuyến cáo, mọi người lớn đi làm về tới nhà đều phải rửa tay xà phòng, cho bé uống thêm vitamin C, hạn chế tới chỗ đông người... để phòng bệnh cho con.
Theo phó giáo sư Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, dịp này, bệnh nhân sởi tăng cao vì thời gian qua nhiều bà mẹ chủ quan không cho con đi tiêm phòng, khiến trẻ không có miễn dịch chống lại sởi. Thực tế, những bệnh nhân đã và đang điều trị sởi tại đây đều chưa tiêm ngừa.
Giải thích việc có trẻ đã tiêm phòng nhưng vẫn mắc sởi, ông Huy nói: "Hiện nay, nước ta dùng loại văcxin sống giảm độc lực có hiệu quả cao, khoảng 85% trẻ được tiêm phòng sởi sẽ không mắc bệnh, còn lại 15% trẻ tiêm rồi chưa được bảo vệ có thể do sức khỏe của bé không tốt khi tiêm hay vì lý do nào đó gây vô hiệu văcxin".
Chính vì điều này, hiện Bộ Y tế triển khai tiêm mũi 2 nhắc lại để củng cố và bảo vệ cho trẻ sau khi đã tiêm mũi 1. "Nếu đã tiêm 2 mũi thì chắc chắn cả đời không bị mắc sởi. Tiêm văcxin là biện pháp ngừa sởi tốt nhất", bác sĩ Huy nhấn mạnh.
Hiện mũi sởi được tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên. Khoa học đã nghiên cứu, các nước khác tiêm cho trẻ 12 tháng tuổi trở lên vì thường sau thời điểm này trẻ mới có nguy cơ mắc bệnh, do hết kháng thể mẹ truyền cho. Tại Việt Nam, dịch sởi chưa chấm dứt nên trẻ được tiêm sớm hơn, từ 9 tháng tuổi. Những trẻ nhỏ tuổi hơn mắc bệnh có thể do mẹ chưa tiêm phòng, chưa từng bị sởi nên không có kháng nguyên truyền cho con.
Bác sĩ Bùi Vũ Huy cho rằng, các bài thuốc dân gian như uống, tắm nước hạt mùi... chưa có chứng minh bằng khoa học nên chưa thể khẳng định có tác dụng gì với sởi hay không. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý vì hiện nay, rất nhiều loại hạt, cây khô được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản nên có thể gây viêm da, nguy hiểm cho trẻ.
Việc phân biệt sởi với các dạng phát ban khác không đơn giản, với cả chính các bác sĩ. Bởi vậy, phụ huynh khi thấy con có các biểu hiện trên, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhà để được khám, xác định nguyên nhân và tư vấn điều trị, không nên tập trung ngay ở cơ sở tuyến trên, tránh lây chéo.
Ông cho biết, sởi vốn là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, dễ lây thành dịch trong cộng đồng. Mùa xuân là thời điểm dịch sởi xảy ra và lan rộng nhiều nhất. Người khi mắc bệnh thường có các triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, sau đó sốt cao 39-40 độ C, mệt mỏi kèm viêm kết mạc, chảy nước mũi, ho. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.
Bệnh sởi nguy hiểm là do virus gây bệnh làm suy giảm miễn dịch của bệnh nhân, khiến có nguy cơ xảy ra các biến chứng nặng như: viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy kéo dài, lao...
Ngoài tiêm văcxin, để phòng sởi, phó giáo sư Bùi Vũ Huy cho rằng, nên hạn chế giao lưu, hội họp bởi người lớn nhiễm virus sởi có thể lây cho trẻ. Cần đeo khẩu trang. Ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng.
"Thực tế, việc phòng bệnh bằng các cách ngoài văcxin không đạt hiệu quả bao nhiêu tại thời điểm này, bởi ai cũng cần hít thở, trò chuyện. Thông thường, sau khi tiêm 2-3 tuần văcxin mới bắt đầu có hiệu quả ngừa bệnh", ông nói.
Minh Thùy