Dưới những tán cây rậm rạp ở Chernobyl, những con ngựa hoang với bộ lông thô ráp giật mình bỏ chạy khi phát hiện tiếng động. Chúng là một trong số nhiều loài động thực vật hoang dã phát triển mạnh mẽ nơi đây, 35 năm sau thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới.
Sau vụ nổ lò phản ứng tại nhà máy hạt nhân Chernobyl, cách thủ đô Kiev khoảng 110 km, vào ngày 26/4/1986, giới chức Ukraine cảnh báo khu vực này có thể không phù hợp cho loài người trong 24.000 năm tiếp theo, khiến nơi đây được mệnh danh là "vùng đất chết".
Tuy nhiên, ngựa hoang cùng một số loài động vật khác đã phát triển mạnh mẽ ở Chernobyl trong hàng chục năm qua. Denys Vyshnevsky, trưởng phòng khoa học của khu bảo tồn thiên nhiên Chernobyl, nhận xét giống ngựa hoang dường như đã trở thành biểu tượng của khu vực này.
Sau thảm họa Chernobyl, hàng chục ngôi làng và thị trấn đã phải sơ tán, biến nơi đây trở thành khu bảo tồn khổng lồ ở châu Âu. Chernobyl trở thành chỗ trú ẩn của nai sừng tấm, sói và cả ngựa hoang Mông Cổ, loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Loài ngựa này có tên Przewalski, được đặt theo tên nhà khoa học Nga Nikolai Przewalski, người đã phát hiện giống ngựa trên ở sa mạc Gobi. Giống ngựa đó đã gần như tuyệt chủng vào giữa thế kỷ 20 do tình trạng săn bắn quá mức.
Một số cá thể ngựa được các nhà khoa học đưa trở lại các khu vực ở Mông Cổ, Trung Quốc và Nga trong nỗ lực bảo tồn. Trong một chương trình khác, 30 cá thể ngựa được thả ở Chernobyl vào năm 1998, thay thế Tarpan, giống ngựa bản địa đã tuyệt chủng.
Chương trình này đã bị ngừng ở Ukraine, nhưng những con ngựa Przewalski vẫn tiếp tục sinh sôi lên tới khoảng 150 con sinh sống khắp khu vực này, cùng khoảng 60 con khác ở biên giới Belarus.
Do sự phát triển mạnh mẽ của thảm thực vật và động vật hoang dã ở Chernobyl, các nhà khoa học đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận về việc đưa các loài nguy cấp khác tới đây.
"Chúng ta sẽ có thể tái tạo cảnh quan ở đây trước khi con người bắt đầu khai thác mạnh mẽ khu vực này trở lại", Vyshnevsky nói.
Ngọc Ánh (Theo AFP)