Chín giờ tối, không khí se lạnh cuối năm và thời khắc cuối ngày không đủ làm những con đường Sài Gòn thưa vắng hơn. Đám đông xúng xính đang nô nức xe cộ ngoài kia chắc không để ý tới cái quán sửa xe ven đường. Trong cái quán nhỏ tèm nhem, những người đàn ông vẫn đang vùi trong nhớt máy và mùi động cơ khô đặc.
Một tay giữ vòi bơm, Quang đưa nhanh cái nhìn ra dòng xe sát bên. Dưới ánh sáng đèn đường vàng lành lạnh làm thấy rõ khuôn mặt lem luốc dầu và nhớp mồ hôi. Vẻ lam lũ và u ám trên khuôn mặt anh không thể che dấu được ánh mắt nô nức đang lộ rõ. Tết đang gõ cửa từng nhà để hứa hẹn một món quá đoàn viên, nhưng riêng anh lại không dám mở cửa, anh không dám mở lòng mình, đã hai cái tết rồi anh không về nhà, hai cái tết rồi anh không về tặng mẹ chiếc áo ấm để mẹ mặt cho đỡ lạnh ngày xuân, năm nay chắc anh lại không về.
Sinh ra nơi miền quê chan chát nắng và gió, tuổi thơ của anh được ru bởi cơn gió nồm khô ráp mùa hè, hay ồ ập gió bão miền trung, trong đó hãy còn lời ru của mẹ, thẫm đẫm sự nhọc nhằn lam lũ của người phụ nữ cố nén nỗi đau để cất lời ru cho con tròn giấc. Anh chỉ biết ba và anh hai đã bỏ mẹ đi mãi khi anh còn trong nôi.
Cái nghèo đã cho anh một tuổi thơ trong sáng, nhưng nó trở thành kẻ thù khi anh lớn dần, khi anh thấy mái tóc mẹ đã bị cuộc sống nhuộm cho bạc màu, vai gầy của mẹ vẫn gánh nặng gánh hàng rong dù cho những ngày mưa bão. Để rồi hôm ấy mẹ tiễn anh đi. “Tết nhớ về nha con”, lời dặn của mẹ chỉ như thoảng qua khi trong anh đang háo hức tìm kiếm một tương lai tương sáng, sáng như cái tên mẹ đặt cho anh vậy.
Gần mười một giờ đêm, một mình về phòng trọ, tấm áo cũ của anh cứ chập chờn qua những khoảng sáng đèn đường. Bức tranh sáng tối cứ ẩn hiện, cũng như suy nghĩ của anh về người mẹ già, “ mẹ ơi, con còn tay trắng, con chưa thể giúp mẹ đỡ khổ hơn”. Hai năm anh chỉ về nhà có một lần. Nhưng càng xa nhà, thì những kỷ niệm lại cứ níu lấy anh mỗi đêm về. Anh mơ mình được mẹ chở đi học trên con đường bạch đàn rì rào gió. Những buổi chiều khi nắng đã đỏ hỏn trên ngọn tre bên bờ sông, mẹ tưới mảnh rau muống trên bãi cát, còn anh lặn hụp cùng bè bạn. Hai mẹ con chỉ về nhà khi nắng tắt, mẹ cõng anh đi trên bãi cát, kể anh nghe chuyện ngày xưa của ba mẹ, vai mẹ mềm mà sao con đường bờ sông lại sỏi đá ghập ghềnh quá, anh thương mẹ, nước mắt anh lăn dài trong giấc mơ.
Chợt thấy con ngựa gỗ bị bỏ quên ngoài cửa nhà ai, anh nhớ mình cũng có một con. Món quà không lành lặn mà mẹ đã xin của người ta về cho anh. “Con trai của mẹ đã vui lắm, chân ngựa bị gãy nhưng mẹ đã lấy tre nẹp lại, như vậy là đủ sung sướng để con vừa phi ngựa vừa ăn hết hai chén cơm, con thấy mẹ cười hiền mà mắt mẹ ướt. Có lần con bị ngã ngựa đến sưng đầu, mẹ giận quá quẳng nó vào xó nhà, nhưng xong rồi mẹ lặng lẽ sửa lại ngựa cho con chơi. Con ngựa lại thêm vài cái nẹp tre, con cưỡi khó hơn, nhưng con an tâm vì con biết mẹ trông chừng con nhiều hơn”.
Tay anh đẩy làm con ngựa đong đưa, vẫn cái âm thanh dìu dặt đó, còn văng vẳng tiếng cười như nắc nẻ của con, có tiếng mẹ dặn bên, “từ từ không té đó con”. Nước mắt anh tuôn ra tự lúc nào, “con đã bỏ mẹ rồi, con thật có lỗi với mẹ, với ba và anh hai”.
Chân anh cuồng vội lao đi trên con đường vắng vẻ, nghe được nhịp con tim hối hả, tiếng nấc còn ngẹn ngào”, mẹ chờ con nha mẹ, con về với mẹ đây!”
Võ Xuân Văn
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |