Ngư dân An Đức 3, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Linh, Quảng Trị) quả quyết, bán cá dưới đáy biển là nghề trời phú cho ông Gạt. Chỉ có ông mới nhìn thấu đáy biển để biết được trữ lượng cá của từng vùng biển nơi thuyền đi qua. Nhưng không ai biết chuyến đi biển hằng ngày của ông lão bắt đầu từ mấy giờ vì đó là chuyện rất bí mật.
Giỏi đi biển cưới được vợ đẹp
Đã sang tuổi bát tuần, ông lão vẫn còn vạm vỡ, cái vâm váp của một ngư dân từng trải sóng gió biển cả. Làng An Đức 3, nơi ông lão sinh sống ghếch mặt ra biển Đông. Từ làng bước ra biển chỉ mấy bước chân. Năm 16 tuổi, ông đã rành rẽ nghề biển.
Non 2 năm sau ông được phong làm thuyền trưởng của một chiếc thuyền đánh cá. Năm sau nữa ông dinh về cô vợ đẹp nhất vùng. Vợ là người cùng làng, bằng tuổi. Ông lão Gạt cười hề hề: “Hồi đó thấy tôi đi biển tài quá nên gặp là bà ưng liền, chứ tôi có tán tỉnh gì đâu".
Qua bao năm tháng nhọc nhằn giữa biển cả mênh mông, giờ đây hầu hết con đường trên biển ông lão đều thuộc như lòng bàn tay, thậm chí biết rất rõ vùng biển cả quanh đảo Cồn Cỏ có bao nhiêu rạn đá ngầm. Giữa biển khơi, ông lão có thể xác định mình đang đứng ở vị trí nào.
Ông lão Gạt trên con thuyền của mình. Ảnh: Tiền Phong. |
Để nhớ các vị trí trên biển, ông lão đã làm một phép tính theo hệ quy chiếu. Từ ngoài biển, phóng mắt nhìn về dãy Trường Sơn để xác định các quả núi mang hình dáng, đại loại như Mẹ bồng con, Thiếu nữ đợi chồng, Mục đồng chăn trâu, Tiều phu gánh củi...
Bằng cách nhìn chiếu vào các hình hài ước lệ ấy mà ông lão định vị con thuyền của mình đang đứng ở điểm nào trên biển. Ông bảo: “Đi biển có nghề là như vậy, nhưng không phải ai làm nghề biển cũng có khả năng đó, phải kinh qua vô vàn gian lao cực khổ, thậm chí suýt mất mạng với những mưa nguồn chớp biển".
Nhìn thấu đáy biển
Ông Gạt bảo, mỗi tháng biển có hai đến ba “con nước sinh”. Khi ấy lũ cá thường bơi lên gần mặt nước quần tụ thành từng đàn với trữ lượng hàng chục tấn, làm mặt nước biển sủi tăm. Ông chọn thời điểm này để ra khơi đánh cá. Do vậy, mẻ lưới nào cũng trúng lớn.
Đặc biệt, ông Gạt có chiêu nhử cá rất tài tình. Không cần chờ đàn cá xuất hiện, ông lão dùng cây tra để gọi cá về. Cây tra được làm bằng tre kết thành lồng hình tam giác, cao gần 2 m, bên trong chất đầy đá, phía trên phủ kín bằng lá tre.
Khi có đủ ba chiếc lồng rồi thì kết lại với nhau thành một cây tra thả xuống biển nhử cá. Mỗi năm như vậy chỉ cần làm một cây tra là đánh suốt cả mùa vẫn không hết cá với đủ các loại như: chim, hồng, nục, mú, thu…
Nhiều lúc thuyền ra biển mới một ngày nhưng trúng quá, ông lão Gạt phải quay thuyền sớm vào bờ để bán cá rồi mới trở lại đánh bắt tiếp. Gia đình ông lão chỉ dùng thuyền nhỏ, những lúc gặp cá nhiều ông dùng máy bộ đàm gọi các tàu lớn đến bán lại lượng cá đang được nhử ở… đáy biển.
Phương thức ăn chia của dân đi biển rất sòng phẳng. Thường mỗi lần chia cá dưới… đáy biển thì người có công phát hiện như ông lão Gạt được chia theo tỷ lệ 40%, còn lại của chủ phương tiện đánh bắt.
Nhiều lúc ông lão không cần chia mà bán luôn lượng cá dưới biển. Chủ thuyền đến mua cá dùng máy tầm ngư để xác định trữ lượng, rồi thỏa thuận giá cả. Cách bán đứt như thế rất rẻ, chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng, nhưng đó là cái lộc của ông lão, và chỉ ông lão mới có.
Ông Gạt kể, nhiều khi bán xong cá dưới đáy biển, ỷ lại thuyền lớn, không ít kẻ giở trò du côn, không chịu trả tiền công phát hiện cá mà còn đuổi luôn thuyền ông đi nơi khác để chiếm ngư trường.
Mới đây, trong một lần đánh cá ở vùng hải giới hai tỉnh Quảng Trị với Quảng Bình, chiếc thuyền của cha con ông lão đã bị kẻ xấu cướp sạch từ cá đến lưới. Đó là chưa kể việc dùng hoá chất, mìn, bộc phá đánh bắt cá một cách tận diệt vô tội vạ.
Ông lão Gạt bảo, bây giờ đã 80, sẽ không đi biển nữa mà truyền lại cái nghề độc đáo này cho đứa con trai thứ luôn sát cánh trong những tháng ngày miệt mài làm ăn trên biển. Nhưng ông rất buồn vì nhớ biển, bởi đối với ông, biển là nhà, là cuộc sống, là tình yêu…
(Theo Tiền Phong)