Hai tháng sau khi bị bắt, Chen cùng các thủy thủ của mình vẫn mắc kẹt trong tình trạng mơ hồ về pháp lý, chưa biết khi nào tòa sẽ xét xử. Nếu bị kết tội đánh bắt trộm rùa quý hiếm, họ có thể bị phạt tù đến 20 năm. Mặc dù Philippines đã buộc tội các ngư dân này phạm pháp trong vùng biển của mình, Trung Quốc vẫn khăng khăng nói Manila không có quyền xét xử và tìm cách ngăn cản phiên tòa.
Ông Chen cùng 8 thuyền viên không thể bị xét xử nếu không có luật sư bào chữa. Để được luật sư công đứng ra biện hộ, họ phải có giấy chứng nhận tình trạng nghèo, nhưng đại sứ quán Trung Quốc không cấp giấy đó cho họ. Phát ngôn viên sứ quán chẳng buồn giải thích vì sao.
"Đại sứ quán không muốn dính dáng đến quá trình xét xử. Họ chẳng giúp đỡ chúng tôi gì cả", ông Chen than phiền.
Trung Quốc tuyên bố tòa án của Philipines không có quyền xử ngư dân khi họ bị bắt trong khu vực mà Bắc Kinh coi là lãnh hải. Địa điểm các ngư dân này bị bắt ở cách bờ biển của Philippines chưa đầy 100 km, cách đất liền Trung Quốc hơn 1.000 km.
Hôm 9/5, khi các ngư dân Trung Quốc bị các ủy viên công tố Philippines thẩm vấn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói vụ bắt giữ là "bất hợp pháp và vô hiệu". Bà Hoa cho rằng "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Nam Sa và những vùng nước gần kề, bao gồm cả đá Banyue", bà Hoa sử dụng tên gọi của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và bãi cạn Trăng Khuyết (tên quốc tế là Half Moon Reef) trên Biển Đông. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không được bất kỳ quốc gia liên quan nào công nhận.
Không tìm đâu ra phiên dịch
Các ngư dân Trung Quốc cần một thông dịch viên nói tiếng Trung trước khi phiên tòa bắt đầu. Nhưng theo lời công tố viên địa phương Allen Rodriguez, viên tham tán Trung Quốc tại Philippines Duan Qiang "bảo các ngư dân không hợp tác" với các quan chức Philippines, để cố tình trì hoãn tiến trình pháp lý.
Tất cả những người Philippines gốc Trung sống tại thành phố Puerto Princesa đều từ chối làm thông dịch viên tại tòa, khiến cho quá trình xét xử bị trì hoãn.
"Tôi thử hỏi cả ở trường học dạy tiếng Trung, trường đại học và cả các đại lý du lịch nhưng vẫn không tìm được ai sẵn lòng làm phiên dịch. Việc này rất khó", một quan chức địa phương cho biết.
Andrew Lim, một người Philippines nói được tiếng Trung, từng làm phiên dịch cho cuộc thẩm vấn đầu tiên với các ngư dân bị bắt, đến nay cũng từ chối làm tiếp vì sợ chính phủ Trung Quốc "trả đũa".
Theo Arjennel Lim, anh của Andrew, gia đình họ kinh doanh cửa hàng tạp phẩm, thỉnh thoảng họ phải đến Trung Quốc và cần visa. "Điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ Trung Quốc nghĩ rằng chúng tôi cùng phe với người Philippines đang giam giữ công dân của họ? Chúng tôi muốn giúp chính phủ Philippines nhưng vụ này rất nhạy cảm, chúng tôi cần phải cân nhắc", Arjennel Lim nói.
Felix Lao, một doanh nhân gốc Trung Quốc, từng sẵn lòng làm phiên dịch cho hơn hai mươi vụ xét xử liên quan đến các ngư dân Trung Quốc. Nhưng lần này ông Lao viện cớ "quá bận" để từ chối, ông cũng lo hàng xóm người Philippines và khách hàng có thể bực tức với ông vì hỗ trợ những kẻ săn trộm rùa quý.
Tàu cá Qiong Qionghai 09063 của Chen bị cảnh sát thuộc Lực lượng đặc nhiệm của Philippines bắt hôm 6/5, ngay bên ngoài bãi Trăng Khuyết. Lúc đó trên thuyền có 489 con rùa biển, một loài thuộc danh sách cực kỳ quý hiếm theo luật của Philippines, chỉ có 108 con còn sống.
Chiếc thuyền gỗ bị tịch thu của Chen, giờ nằm ở cầu tàu của Đơn vị Đặc nhiệm của Philipines gần Puerto Princesa. Toàn bộ số rùa được đưa đi hoặc đem chôn, nhưng vẫn còn một hòm ướp lạnh trên thuyền chứa đầy mai và chân rùa, một thùng khác chất đầy tảng thịt rùa trong các túi nhựa.
"Các ngư dân Trung Quốc được cho là không tham gia các hoạt động đánh bắt, nhưng luật Philippines cấm sở hữu các loài quý hiếm cũng như cấm đi vào cùng biển của Philippines", công tố viên Rodriguez nói.
Trung Quốc phản ứng rất dữ dội với vụ Philippines bắt giữ và cáo buộc 9 ngư dân của họ. Một bài viết trên Xinhua gọi hành động đó là hành động khinh suất, âm mưu có tính toán nhằm khiêu khích Bắc Kinh. "Tất cả các bên nên được nhắc nhở rằng việc phớt lờ quyết tâm của Trung Quốc trong bảo vệ chủ quyền sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng với những nước đáng bị hứng chịu", bài báo có đoạn.
Công tố viên Rodriguez cho biết, việc Trung Quốc từ chối hợp tác để thúc đẩy quá trình tố tụng là diễn biến mới. "Đây là lần đầu tiên họ cản trở. Trước đây họ rất thiện chí và hợp tác", ông nói.
Cách cư xử mới của Bắc Kinh có vẻ như phù hợp với sự quả quyết của nước này ở các nơi khác trên Biển Đông, khi Trung Quốc có yêu sách chồng lấn với các nước láng giềng. Chính phủ Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuần trước Trung Quốc cho biết bắt giữ 6 ngư dân Việt Nam ngoài khơi đảo Hải Nam, thuộc vùng chưa phân định ranh giới ở vịnh Bắc Bộ.
Hồi tháng 4, Philippines dấn lên trong tranh chấp ở Biển Đông bằng việc ký thỏa thuận quốc phòng mới với đồng minh lâu năm Mỹ. Tháng trước, Manila nộp hồ sơ lên Tòa án Quốc tế về luật biển, yêu cầu xét xử tranh chấp với Trung Quốc. Bắc Kinh đã từ chối tham gia bất kỳ cuộc phân xử nào.
Trong khi đó, tại nhà tù thuộc tỉnh Palawan, các ngư dân Trung Quốc vẫn chỉ biết ăn, ngủ và ngồi chờ, theo lời Chen, chờ đợi số phận an bài.
Ông Rodriguez cho biết ông cũng sẽ rất kiên nhẫn. "Án phạt cao nhất cho các tội danh mà họ bị cáo buộc là 20 năm. Nếu vụ án cứ ngủ đông thế này, các ngư dân sẽ được tự do sau 20 năm nữa".
Khánh Lynh