Hải quân nhân dân Việt Nam trên quần đảo Trường sa. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Hôm nay, trả lời câu hỏi về việc mạng Tin tức Trung Quốc đưa tin ngày 12/7, 30 tàu cá của tỉnh Hải Nam xuất phát từ cảng Tam Á đi đánh bắt cá xung quanh bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, đại diện Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh:
"Lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định nhiều lần. Hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
"Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế".
Báo chí Trung Quốc loan tin một tàu hậu cần và 29 tàu cá, được tổ chức bởi hiệp hội nghề cá ở tỉnh Hải Nam, bắt đầu lên đường đi vào Biển Đông để khai thác. Đích đến của đội tàu này là bãi đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước đó, bốn tàu hải giám của Trung Quốc cũng đã đến thực hiện cái gọi là nhiệm vụ tuần tra và diễn tập ở quần đảo Trường Sa, tại các đảo đá Châu Viên và Chữ Thập mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Họ còn nói tàu hải giám đã xua đuổi tàu của Việt Nam ở khu vực này, tuy nhiên thông tin này bị phía Việt Nam hoàn toàn bác bỏ.
Trung Quốc trong thời gian gần đây đã có nhiều hành động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Tháng trước, Trung Quốc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa để quản lý các quần đảo, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Những hành động này đã được phái đoàn Việt Nam tại các hội nghị của ASEAN mới đây nêu ra và phản đối. Việt Nam cùng nhiều nước khác trong Hiệp hội đã có các nỗ lực nhằm xây dựng bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đôngn (COC).
Thanh Mai