Ba ngày nay, tại cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, mỗi ngày có khoảng 40 tàu cá công suất trên 90CV về neo đậu với khoang đầy ắp cá cơm. Ngư dân bỏ cá trong các khay nhựa, chia mỗi nhóm hai người hợp sức đặt lên thang sắt dài hơn 3 m để vận chuyển lên bờ.
Ngư dân Nguyễn Văn Hùng, 45 tuổi, trú Thanh Hóa, cho biết mùa cá cơm bắt đầu từ cuối tháng 2 đến hết tháng 3 âm lịch. Vùng biển Hà Tĩnh có hai loại cá cơm trắng và cơm bạc. Dịp này chủ yếu xuất hiện cá cơm trắng, sống cách bờ 15-20 hải lý, ở độ sâu 60-80 cm.
Cá cơm đi theo đàn, nổi trắng xóa mặt nước, dễ phát hiện. Có hôm tàu ông Hùng bủa lưới trúng luồng cá lớn, thu gần một tấn. Mỗi chuyến ra khơi khoảng 48 tiếng, một tàu gồm 10-12 lao động bắt được 3-5 tấn cá cơm, gấp 6-10 lần so với bình thường, bán tại biển giá 15.000-20.000 đồng/kg.
Từ tờ mờ sáng, hàng trăm thương lái, chủ cửa hàng đông lạnh đã lái xe máy, ôtô tải đến chờ tại cảng Cửa Sót để thu mua cá cơm. Bà Hà Thị Thọ, 56 tuổi, ở huyện Nghi Xuân, cho biết cá cơm rất đắt hàng nên phải tích cực mua để nhập cho đối tác. "Ba ngày nay, mỗi hôm tôi mua được 300-500 kg. Có hôm may mắn gom gần một tấn, phải huy động ba người lái xe máy đến chở cá về", bà Thọ nói.
Ngoài nhập cho thương lái, nhiều ngư dân mang cá về nhà cất trữ làm thực phẩm, hoặc đi bán lẻ tại các chợ trên địa bàn, nhập cho chủ cửa hàng đông lạnh với giá cao hơn 2.000-4.000 đồng/kg so với bán tại cảng.
Theo Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, một tuần qua thời tiết thuận lợi, mỗi chuyến ra khơi đánh bắt cá cơm, trung bình một tàu thu về khoảng 35 triệu đồng. Với 8-10 lao động, mỗi người nhận 2 triệu đồng tiền công, sau khi trừ phía nhân công, nhiên liệu, khấu hao ngư cụ, chủ tàu lãi hơn 10 triệu đồng. Những tàu công suất lớn, đông nhân lực, có thể thu hơn 70 triệu đồng khi trúng đậm 5-7 tấn cá cơm, trừ chi phí lời gần 50 triệu đồng.
Cá cơm thuộc họ cá trổng, sống chủ yếu ở nước mặn, một số loại phân bố vùng nước ngọt và nước lợ cửa sông. Cá dài dưới 15 cm, bơi thành đàn, ăn các loại sinh vật, thực vật phù du. Loại này có thể làm mắm, phơi khô, chế biến nhiều món như kho rim, chiên giòn, nấu canh với dứa hay lá giang.