Một tuần qua, tại bờ biển xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, mỗi ngày có hàng chục tàu thuyền công suất dưới 90CV cập bờ, trên khoang chở nhiều tấm lưới mắc hàng nghìn con cá bạc má. Chủ thuyền huy động các thuyền viên mang theo xô, chậu nhựa, chia mỗi nhóm 3-4 người trải tấm bạt cỡ lớn giữa bãi cát, đặt lưới phía trên rồi ngồi xổm tập trung gỡ cá. Một số hộ thì thu gom ngay trên thuyền.
Anh Trần Văn Cường, trú thôn Yên Hải, xã Xuân Yên, cho biết mùa đánh bắt cá bạc má bắt đầu từ tháng 7, kéo dài đến hết tháng 9 Âm lịch. Tàu của anh Cường công suất 45CV, với 4 lao động, chủ yếu là hàng xóm láng giềng, thường đánh bắt cá bạc má và các loại hải sản khác cách bờ biển Nghi Xuân 10-15 hải lý.
Cá bạc má sống ở độ sâu 25-75 m, đi theo đàn. Phát hiện luồng cá có vệt lấp lánh vàng, ngư dân hợp sức thả lưới dài hàng trăm mét, rộng 10 m, có phao lớn, thả xuống biển để bủa vây luồng cá. Mỗi chuyến ra khơi kéo dài từ 2h sáng đến gần trưa, thuyền của anh Cường bắt được 1,5 tạ cá bạc má, gần gấp ba so với bình thường, bán tại biển giá 40.000-60.000 đồng một kg.
"Dịp này mỗi lần ra khơi thu hơn 5 triệu đồng tiền bán cá, sau khi chia cho các bạn thuyền và trích chi phí khấu hao nhiên liệu, lãi khoảng 2 triệu đồng", anh Cường nói. Ngày bình thường, một chuyến ra khơi đánh bắt cá bạc má, cá trích, cá cơm và hải sản gần bờ, anh Cường chỉ lãi 300.000-500.000 đồng. Có những hôm đi làm gặp mưa lớn, biển động thì hải sản bắt được không đủ tiền mua dầu.
Ông Lê Quang Việt, trú xã Xuân Yên, cho hay thời điểm này cá bạc má rất béo, thịt thơm, loại lớn chỉ 7-8 con một kg, rất được thương lái và người tiêu dùng ưa chuộng. Vì thế các chủ thuyền luôn huy động nhân lực ra khơi để đánh bắt với số lượng lớn, nhằm bù chi phí cho những ngày mưa gió phải nghỉ ở nhà.
"Có đêm thuyền của tôi gặp 4 luồng cá bạc má, ba lao động cứ bủa lưới liên tục để bắt. Mỗi mẻ cá đạt hơn 200 kg, thu gom trong khoảng 1,5 tiếng", ông Việt nói và cho hay những đợt ra khơi khác, một lần bủa lưới chỉ bắt được 20-30 kg, và rất hiếm khi gặp nhiều luồng cá như dịp giữa tháng 10 đến nay. Ngoài bạc má, thuyền của ông còn bắt được cá trích, bề bề, ốc cùng một số hải sản giá trị khác.
Từ trưa đến đầu giờ chiều, thương lái ở xã Xuân Hội, Xuân Phổ, Xuân Hải lái xe máy chở thùng xốp đựng đá lạnh đến bờ biển Xuân Yên thu mua cá về nhập tại các chợ đầu mối, một phần sẽ bán lẻ tại chợ ở huyện Nghi Xuân.
Thương lái Trần Thị Tú cho biết một tuần qua, mỗi ngày chị gom được 200 kg, có hôm may mắn đạt hơn 300 kg. Những tháng không vào mùa vụ thì cá bạc má rất nhỏ, 15 con mới đạt một kg, kén khách. Còn dịp này cứ gom được bao nhiêu là đối tác tiêu thụ hết bấy nhiêu, có những hôm nhiều đơn dẫn đến cháy hàng.
Theo ông Phạm Trung Thành, Chủ tịch xã Xuân Yên, toàn xã có gần 200 tàu cá công suất vừa và nhỏ. Giữa tháng 10 thời tiết nắng ráo, biển lặng, ngư dân ra khơi cách bờ khoảng 10-15 hải lý, trong 10-12 tiếng đánh bắt được hàng tấn cá bạc má tươi, nhiều hiếm có so với ngày thường.
Cá bạc má thân hình thuôn dài, vây đuôi mảnh, có 2-3 gờ da nổi mỗi bên, sống từng đàn. Loài này thịt ngọt, giàu chất dinh dưỡng, được thị trường ưa chuộng, thường chế biến các món như chiên, hấp, kho tiêu, sốt cà chua, nấu canh...