Tàu vỏ thép của ông Phan Thu, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, được định giá 1,5 tỷ đồng hiện neo đậu ở âu thuyền Hồng Triều, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên. Con tàu đang chờ ngày bán đấu giá để ngân hàng thu hồi vốn.
Nhìn con tàu sơn xanh, boong trắng rỉ sét, ông Thu bảo "xót ruột mà chả biết làm sao". Ông Thu từng là ngư dân điển hình tiên tiến của tỉnh Quảng Nam với nghề câu mực khơi bằng tàu vỏ gỗ. Nhờ đó năm 2014, ông vượt qua hàng chục hồ sơ khác để được vay đóng tàu vỏ thép, đánh lưới rê theo Nghị định 67.
Tháng 11/2015, ông Thu hạ thủy con tàu công suất 802CV, một trong 21 mẫu thiết kế do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra. Trị giá tàu hơn 10 tỷ đồng, ngân hàng cho vay hơn 9 tỷ đồng với tài sản thế chấp là tàu, số còn lại ông bán tàu vỏ gỗ 900 triệu đồng đối ứng.
Có tàu mới, ông Thu cùng hơn 10 thuyền vươn khơi đánh bắt. Nhưng thiết kế tàu vỏ thép có nhiều nhược điểm, không phù hợp với nghề lưới rê. Mỗi chuyến biển không đạt hiệu quả, giá cả hải sản xuống thấp nên thua lỗ, ông Thu cho tàu dừng hoạt động. Nửa năm sau, ông hoán cải tàu để thả lồng bắt lươn biển xuất khẩu.
Ông vay mượn 500 triệu đồng mua máy móc, sửa hầm để giữ lươn sống. Tuy nhiên, tàu rung lắc mạnh nên lươn bị chết hàng loạt. Ông xoay sang liên kết với doanh nghiệp thu mua lươn trên biển, nhưng hoạt động được nửa năm thì doanh nghiệp dừng. Không có đầu ra, năm 2017 ông Thu đưa tàu về âu thuyền Hồng Triều nằm bờ đến nay.
2 năm qua, từ một chủ tàu ông Thu phải đi làm thuê cho các tàu vỏ gỗ khác. "Sau 6 năm vay vốn đóng tàu, tôi đang nợ ngân hàng gần 12 tỷ đồng (tiền vay ban đầu và tiền lãi). Không có tiền trả nên ngân hàng khởi kiện, tôi bị thua. Con tàu được cơ quan chức năng thi hành án định giá 1,5 tỷ đồng thanh lý để ngân hàng thu hồi vốn. Trừ đi số tiền này, tôi còn nợ hơn 10 tỷ đồng", ông Thu nói.
Tại xã Bình Minh, ngoài ông Thu, ngư dân Trần Công Chi cũng bị ngân hàng khởi kiện và đang làm thủ tục thanh lý tàu vỏ thép trị giá hơn một tỷ đồng. "Sau khi bán tàu này, tôi nợ hơn 15 tỷ đồng, không biết bao giờ mới trả nổi cho ngân hàng. Tôi mong nhà nước có chính sách giải cứu giúp ngư dân", ông Chi nói.
Cũng tham gia đóng tàu vỏ thép hành nghề lưới rê theo Nghị định 67, năm 2015 ông Đỗ Văn Tiến, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, vay ngân hàng 15,2 tỷ đồng. Tàu ông bị thua lỗ nên nằm bờ từ năm 2017 đến nay và bị ngân hàng khởi kiện. Cuối tháng 10, tàu ông Tiến được định giá thanh lý 1,5 tỷ đồng.
"Khi con tàu bán đi tôi nợ ngân hàng hơn 13 tỷ đồng, số tiền này có bán nhà cũng không đủ trả. Tôi đã lớn tuổi và mắc bệnh cao áp huyết không thể lao động", ngư dân 59 tuổi nói. Ở xã Duy Vinh, ngoài ông Tiến còn có 3 ngư dân khác vay vốn đóng tàu vỏ thép đã được định giá thanh lý, chờ ngày bán đấu giá. Mỗi người nợ ngân hàng trên 10 tỷ đồng.
Bà Vũ Thị Tố Nga, Phó giám đốc BIDV Quảng Nam, cho biết đơn vị đã thực hiện chính sách cho ngư dân vay vốn đóng 15 tàu vỏ thép với hơn 180 tỷ đồng. Ngân hàng tạo điều kiện để ngư dân làm ăn hiệu quả, từ giải ngân vốn vay đóng tàu đến sản xuất, cơ cấu lại thời gian trả nợ sau khi có nợ quá hạn. Thế nhưng đến nay các ngư dân đều làm ăn thua lỗ.
Theo bà Nga, một nửa số tàu đang hoạt động, số còn lại nằm bờ. 15 chủ tàu không thực hiện đúng cam kết trả nợ cho ngân hàng nên đã bị khởi kiện ra tòa án. Cơ quan thi hành án bán đấu giá để xử lý tài sản. Nếu để lâu ngày tàu nằm bờ bị xuống cấp, gây thất thoát tài sản của ngân hàng.
Bà Nga chia sẻ thêm, ngân hàng đã nhiều lần làm việc với các sở, ngành, địa phương, chủ tàu để tìm lối thoát, nhưng chưa có hưởng giải quyết. "Tài sản con tàu ngân hàng đã thanh lý nên ngư dân không còn gì để trả. Ngân hàng hết trách nhiệm rồi, để giải quyết nghĩa vụ còn lại nhà nước cần có chích sách giúp đỡ ngư dân", bà Nga nói.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cho biết địa phương rất bức xúc trước những tồn tại của tàu vỏ thép. Tỉnh đã kiến nghị với Trung ương và các bộ ngành bằng nhiều văn bản, cũng như tại nhiều diễn đàn với các cơ quan chức năng để tìm cách tháo gỡ cho ngư dân.
Hiện nay, Trung ương đã có nhiều biện pháp, nhưng theo ông Thanh, chưa giải quyết dứt điểm được tồn tại. "Ngư dân có khoản nợ rất lớn, còn ngân hàng bị một khoản nợ xấu khó đòi", ông chỉ ra thực tế và mong muốn Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan chức năng sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm tồn tại, đảm bảo an toàn về tín dụng đối với các ngân hàng thương mại và đảm bảo điều kiện sinh hoạt, sản xuất, an tâm cho ngư dân.
Tháng 7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Sau khi triển khai, chính sách này được sửa đổi, bổ sung một số điều thành Nghị định 89 và Nghị định 17.
Tại Quảng Nam, các ngân hàng thương mại cho ngư dân vay đóng 63 tàu mới, trong đó 37 tàu vỏ thép, 24 tàu vỏ gỗ và 2 cải hoán với gần 730 tỷ đồng. Đến nay, doanh số thu nợ của các ngân hàng mới hơn 65 tỷ đồng, trong khi đó nợ xấu hơn 258 tỷ đồng.