3h mùng 3 Tết, ông Nguyễn Văn Lưỡng, 44 tuổi, xách chiếc thùng đá 50 lít, hộp đựng cơm, rời nhà đi bộ gần nửa cây số xuống bãi biển Phước Hải. Trên bờ biển dài hơn 3 km, ánh đèn pin nhập nhoạng, hàng chục người nói cười. Đây là chuyến đánh bắt thứ hai trong năm mới của ông Lưỡng. "Hôm qua, tôi may mắn kiếm được hơn 2 triệu đồng", ông khoe.

Ông Nguyễn Văn Lưỡng đang gỡ cá sau chuyến đi biển sáng mùng 3 Tết. Ảnh: Trường Hà.
Chiếc thuyền thúng gắn động cơ được xe máy cày dịch vụ kéo xuống mép nước, ông Lưỡng lấy hết sức đẩy nó ra xa, nhảy tót lên thuyền, nổ máy và dần mất hút. Đến ngư trường cách bờ chừng 2 km, ông thả hàng nghìn mét lưới. Xong việc, ông nằm nghỉ ngơi, lấy hộp cơm thịt gà kho ăn. "Một mình làm tất việc từ thả - cuốn lưới, gỡ cá nên phải tiếp năng lượng chứ không thì đuối lắm", ông nói.
Ông Lưỡng cuốn lưới sau gần 2 giờ chờ đợi. Những con to như đối, tôm sú, đù, mực... được ông gỡ ngay cho vào thùng đá, còn cá nhỏ để về bờ "gỡ túc tắc". "Cá giá trị lớn phải ưu tiên gỡ trước để bảo quản ngay để chúng tươi ngon", ông nói.
8h, thúng cập bờ, cùng hơn 25 kg cá lớn. Vợ ông chực sẵn, hối hả đưa thùng đựng cá, tôm lên chợ bán gần 3 triệu đồng. "Mấy ngày Tết người dân các nơi đổ về đây đi chơi, nghỉ dưỡng nên cá đi về bán rất nhanh và được giá hơn mọi ngày", ông Lưỡng nói và cho biết, cùng với số cá nhỏ, mực nang bốn người nhà đang gỡ, hôm nay ông kiếm được hơn 4 triệu đồng.

Một phần hải sản ông Lưỡng bắt được. Ảnh: Trường Hà.
"Ba mươi năm nay, tôi và hầu hết ngư dân ở đây chỉ nghỉ mùng Một thôi", ông Lê Hữu Đức, 55 tuổi, nói khi vừa cập thuyền cùng số hải sản bán được hơn 2 triệu đồng. Ông Đức cho hay vào những ngày Tết cho đến rằm tháng Giêng sóng êm, tàu giã cào cũng như tàu lớn chưa trở lại hoạt động là lúc đội thuyền thúng Phước Hải "ăn nên làm ra".
"Đàn cá, tôm, mực vào gần bờ nhiều hơn. Giã cào nghỉ càn quét thì anh em sống khỏe", ông nói. Quãng thời gian còn lại trong năm, tần suất những lần "trúng cá" rất ít ỏi, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống và mua sắm, sửa ngư lưới cụ. "Biển giã mà, ngày có bù chuỗi ngày ít, cũng chỉ đắp đổi qua ngày thôi", ông Đức nói.
Ghi nhận sau chuyến biển mùng 3 Tết, đa số ngư dân đều kiếm được từ một triệu đến vài triệu đồng. Hải sản họ bày ở bờ kè biển bán cho du khách, một số bán tại chợ. Những con cá to, mực, tôm sú đều được khách du lịch gom sạch.
Chị Nguyễn Thu Hương, ở TP HCM, mua hơn 19 kg cá, tôm các loại đóng thùng chở về mở tiệc đãi bạn bè. "Cá, tôm sú ở đây tươi rói, thơm ngon nên Tết nào có dịp ghé qua đây tôi đều mua", chị nói và cho biết, giá mua cao hơn so với mọi ngày, nhưng ở mức chấp nhận được.

Người dân bày cá bên bờ biển bán cho du khách. Ảnh: Trường Hà.
Thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), với hơn 5.500 hộ dân, hơn 25.000 nhân khẩu. 70% trong số họ sống bằng nghề khai thác hải sản. Trong đó, 172 hộ đánh bắt gần bờ, với hơn 320 thuyền thúng. Ngoài ra, địa phương này còn nổi tiếng với nghề làm cá khô.
Trường Hà