Trưa 19/3, hàng chục người thân, hàng xóm tập trung tại cảng Tam Giang để đón các thuyền viên tàu câu mực số hiệu QNa 90839 TS gặp nạn trên biển trở về. 5 ngày trước, con tàu này đang hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa thì gặp đá ngầm, chìm xuống biển, các ngư dân lênh đênh trên biển hơn 6 giờ đồng hồ, may mắn một tàu đánh cá gần đó đến ứng cứu...
Đứng trên bờ, chị Phan Thị Yến Lâm - vợ ông Nguyễn Văn Bé, ngất xỉu vì xúc động lúc nhìn thấy chồng. Những ngày qua chị đứng ngồi không yên khi nghe tin dữ.
Ngồi bệt trên nền bê tông cảng cá, ngư dân Bé mắt đỏ hoe kể lại "tàu cá công suất 830 CV do tôi làm chủ, cùng 46 thuyền viên ra khơi hôm 27/2. Đến 8h ngày 15/3, tàu đang thả trôi trên vùng biển Hoàng Sa, cách bờ khoảng 450 hải lý, bất ngờ đập vào bãi đá ngầm, đáy tàu phát ra tiếng động lớn...".
Lúc đó, ông Bé vội chạy xuống khoang tàu, phát hiện nước tràn vào trong và hô hoán thuyền viên bịt lỗ thủng. Tuy nhiên, khoang chất đầy hàng hóa nên họ không tìm ra vị trí đáy tàu vỡ.
Chỉ trong ít phút, nước biển ngập khoang máy và hệ thống điện trên tàu, máy bơm nước dừng hoạt động. Các ngư dân tìm cách múc nước ra ngoài song bất thành vì nước tràn vào quá nhanh.
Sau 30 phút, tàu nghiêng về một phía. Các thuyền viên thả xuống biển bốn thuyền thúng và bốn bộ đàm cầm tay, rồi ngồi lên thuyền thúng thả trôi giữa biển.
Lúc 9h20 ngày 15/3, ngồi trên thuyền thúng, 47 ngư dân chứng kiến con tàu chứa gần 10 tấn mực khô chìm dần. "Tổng tài sản thiệt hại gồm con tàu trị giá hơn 6 tỷ đồng và khoảng 1,3 tỷ tiền hải sản đánh bắt được", ông Bé chia sẻ và cho hay để đóng con tàu này, ông vay ngân hàng và vẫn còn nợ 1,2 tỷ đồng.
"Mạng sống giữ được nhưng toàn bộ tài sản nằm dưới đại dương rồi", ông nói thêm.
Lên đến bờ, thuyền viên Đỗ Thanh Tài, 41 tuổi, xã Tam Quang, huyện Núi Thành (một trong số 47 ngư dân) vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông kể, sau khi tàu chìm, các ngư dân ngồi bên trong thuyền thúng, tay bám chặt cạnh thuyền và bị sóng biển xô dạt liên hồi.
"Hơn 6 giờ lênh đênh trên biển, có lúc tôi đã nghĩ đến cái chết vì thuyền thúng quá chật chội, nhỏ bé, sóng biển đập qua lại khiến người ngồi trong chao đảo", ông Tài nói với hai hàng nước mắt.
Đến 14h30 cùng ngày, nhờ bộ đàm mang theo, họ phát tín hiệu và được tàu câu mực của ông Phạm Văn Lâm, 55 tuổi, cùng trú ở huyện Núi Thành, chạy đến cứu vớt. Các ngư dân sau đó được ông Lâm gửi một tàu cá khác đưa vào bờ.
"Trong 47 thuyền viên chỉ có ông Đỗ Tấn Lộ bị nứt xương ống chân, được đưa đến bệnh viện cấp cứu, số còn lại sức khỏe bình thường", ông Tài cho hay.
Chuyến đi biển này ông Tài ra khơi cùng cha và năm anh em ruột. Mỗi người đóng hơn 30 triệu đồng mua lương thực, thực phẩm. "Qua 24 năm làm nghề biển, đây là đầu tiên tôi gặp nạn, nếu xảy ra vào ban đêm thì có thể gia đình tôi gồm 7 người đã nằm lại ở Hoàng Sa", ông nói.
Ngư dân cho hay các chuyến câu mực thường kéo dài hơn 2 tháng, bình quân mỗi tàu công suất từ 830 CV đánh bắt được hơn 20 tấn mực; sau khi trừ chi phí, chủ tàu thu khoảng 500 triệu đồng, còn thuyền viên được chia từ 50 đến 100 triệu đồng tùy đóng góp.
Sống sót trở về nhưng chủ tàu phá sản, nhiều ngư dân khác mất vốn và đứng trước nguy cơ thất nghiệp. "Chúng tôi mong muốn chính quyền hỗ trợ, cho vay vốn để đóng tàu mới, tiếp tục vươn khơi trên vùng biển Hoàng Sa", ngư dân Nguyễn Văn Bé nói.