Ông Trần Ngọc Phú, Phó chủ tịch phường Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, cho biết 100 tấn cá cơm được các ngư dân trên địa bàn dùng tàu cá công suất dưới 90 CV đánh bắt trong ngày 22/1.
"Lần đầu tiên xã ghi nhận số lượng cá cơm lớn được đánh bắt trong một ngày. Trước đây có vài tàu trúng đậm hải sản, nhưng xen lẫn cá tạp. Đây là niềm vui lớn ngày cuối năm, giúp ngư dân có thu nhập, đón Tết vui vẻ", ông Phú nói.
8 tàu cá chủ yếu của ngư dân ở thị xã Kỳ Anh, đánh bắt ở vùng biển cách bờ khoảng 10 hải lý từ đầu giờ chiều 21/1 đến rạng sáng 22/1. Trung bình mỗi tàu đánh bắt được 12,5 tấn, đem về tập kết tại bờ biển Kỳ Ninh.
Vùng biển Hà Tĩnh thường có hai loại cá cơm trắng và cơm bạc, dịp này chủ yếu xuất hiện cá cơm trắng, sống ở độ sâu 60-80 cm. Loài này đi theo đàn, nổi trắng xóa mặt nước, dễ phát hiện.
Một chủ tàu cho biết rạng sáng qua có thời điểm 6 lao động bủa lưới trúng luồng cá lớn, hợp sức bắt được hơn 4 tấn. Những lần giăng lưới sau đó thu về 1-2 tấn trong hơn một tiếng, cá đầy ắp khoang.
"Mùa cá cơm bắt đầu từ tháng 2 Dương lịch, trong gần một ngày tàu gồm 6-8 lao động ra khơi đánh bắt được khoảng 2 tấn. Dịp này chưa chính vụ, song thời tiết thuận lợi, trời nắng ráo, biển sóng nhẹ, vì vậy lượng hải sản thu về gấp 6 lần so với bình thường", một ngư dân cho biết.
Theo Phó chủ tịch phường Kỳ Ninh Trần Ngọc Phú, cá cơm bán tại biển giá 10.000 đồng/kg. Hôm qua, mỗi chủ tàu thu về 125 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí nhân công, khấu hao nhiên liệu và ngư cụ, lời khoảng 45 triệu đồng.
Cá cơm được thương lái đi xe máy, ôtô tải đông lạnh cỡ nhỏ tới biển Kỳ Ninh thu mua hết rồi nhập cho đối tác ở miền Bắc hoặc bán lẻ tại các chợ trên địa bàn. Một số lao động giữ lại một ít, mang về nhà cất trữ làm thực phẩm.
Cá cơm thuộc họ cá trổng, sống chủ yếu ở nước mặn, một số loại phân bố vùng nước ngọt và nước lợ cửa sông. Cá dài dưới 15 cm, bơi thành đàn, ăn các loại sinh vật, thực vật phù du. Loại này có thể làm mắm, phơi khô, chế biến nhiều món như kho rim, chiên giòn, nấu canh với dứa hay lá giang.