Trao đổi với VnExpress.net sáng 30/1, ông Lê Văn Trình, Thuyền trưởng tàu TH 90245, một trong số các tàu cá tham gia lai dắt Hai Dong 27, cho biết, đã có cuộc tiếp xúc với phía chủ tàu và đại diện các đơn vị giám định, bảo hiểm để bàn về chi phí. Cuộc thương lượng diễn ra ngày 29/1 dưới sự chủ trì của lực lượng biên phòng.
Ngư dân yêu cầu chủ tàu trả tiền dầu và công lao động cho việc lai dắt. Ảnh: Lê Hoàng |
“Chúng tôi cử đại diện, đề nghị công ty chủ quản tàu Hai Dong 27 chi trả một số khoản kinh phí như dầu máy, công lao động và một số chi phí phát sinh khác. Tuy nhiên, họ cũng chưa thống nhất phương án hỗ trợ mà chúng tôi đưa ra”, ông Trình cho hay.
Theo tính toán của ngư dân, suốt dọc hành trình lai dắt con tàu từ Quảng Bình về Thanh Hóa có quãng đường dài gần 140 hải lý, 17 con tàu (công suất từ 200 đến 450 mã lực) đã tiêu tốn khoảng hơn 40 tấn dầu, tương đương hơn 40.000 lít. Ngoài ra, ngư dân cũng yêu cầu phía công ty Hải Đông cũng phải trả tiền công cho hơn 190 lao động làm việc trên 17 con tàu này.
Anh Lê Phạm Đức, một chủ tàu khác cho biết thêm, hầu hết tàu lai dắt tàu Hai Dong 27 vào bờ đều đang trong hành trình đánh cá. “Thấy tàu bỏ hoang, anh em không nỡ bỏ phí khối tài sản lớn nên đã bàn nhau cố gắng lai dắt vào bờ. Các chủ tàu đều phải bỏ dở chuyến đi đánh bắt, ứng trước chi phí dầu mỡ. Do đó, chúng tôi hy vọng phía công ty sẽ tính toán hỗ trợ hợp lý”. Cũng theo anh Đức, bình quân mỗi tàu chi phí khoảng hơn 100 triệu để kéo tàu Hai Dong 27 về Thanh Hóa.
Về phía chủ tàu, ông Phạm Viết Thuật, Phó giám đốc công ty TNHH Hải Đông, cho biết, tại buổi làm việc ngày 29/1, công ty mới chỉ tạm ghi nhận thông số kỹ thuật của 17 con tàu lai dắt cũng như ghi nhận ý kiến của ngư dân. “Ngư dân họ không đòi tiền mà đòi chúng tôi trả dầu thôi. Theo cách tính của ngư dân thì số dầu chúng tôi phải trả khoảng 40.000 - 50.000 lít. Trước mắt, chúng tôi sẽ tính toán số liệu thực tế, sau đó mới lên phương án đền bù cho họ”, ông Thuật nói. Đại diện doanh nghiệp cũng cho biết buổi làm việc đầu tiên diễn ra khá chóng vánh vì ngay khi bàn đến tiền dầu, 2 bên đã nảy sinh mâu thuẫn. Tuy vậy, việc thương thuyết vẫn sẽ được tiếp tục.
Hiện tượng "hôi của" đã bắt đầu diễn ra trên tàu Hai Dong 27. Ảnh: Lê Hoàng |
Trong khi chờ cơ quan chủ quản giải cứu, con tàu nghìn tấn với khối lượng tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng vẫn chơi vơi ngoài biển, cách bờ khoảng 5km. Cũng theo ông Lê Văn Trình, những ngày vừa qua, sau khi được đưa về neo đậu tại khu vực Hòn Sụp, một số người dân quanh vùng đã cho tàu bè ra “hôi của”.
“Mấy ngày nay, nước biển xuống nên tàu nổi lên rất nhiều. Lợi dụng tình hình đó, một số người xấu đã ra đập phá, lấy đi nhiều thiết bị bên trong khoang”, ông Trình nói và cho biết đã làm biên bản bàn giao, đề nghị bộ đội biên phòng tăng cường lực lượng để bảo đảm Hai Dong 27 được nguyên vẹn trước khi bàn giao cho chủ tàu.
Chiều 25/1, nhiều ngư dân đánh phát hiện tàu Hai Dong 27 trôi dạt tại vùng biển Quảng Bình trong tình trạng không người lái, nước ngập ngang thân. Con tàu sau đó đã được kéo về cửa biển Lạch Trường (Thanh Hóa). Ngày 27/1, thay mặt cho chủ tàu là Công ty Hải Đông (Hải Phòng), Phó giám đốc Phạm Viết Thuật đã tới Thanh Hóa nhận tàu và tìm hướng giải quyết. Tàu Hai Dong 27 dài 79 mét, công suất 1.500 mã lực, trọng tải trên 3 nghìn tấn… được hạ thủy vào cuối năm 2008. Trị giá lúc đóng mới của tàu gần 38 tỷ đồng. Sau khi khấu hao, hiện được định giá rên 20 tỷ đồng. Tàu đang được cho một doanh nghiệp tại TP HCM thuê chở 2.200 tấn khô dầu cọ từ Indonesia về Hải Phòng, trước khi bị thủng đáy. Thủy thủ đoàn đã rời tàu an toàn sau sự kiện này. Phía doanh nghiệp cho biết rất muốn giải cứu con tàu nhưng đang trong tình trạng tài chính khó khăn, nên nguồn lực hết sức hạn hẹp. |
Lê Hoàng