10h15 phút sáng 9/7, thí sinh kết thúc 180 phút làm bài thi môn Địa (khối C) và Toán (khối B, D).
Môn Địa tiếp tục đưa vấn đề chủ quyền biển đảo vào đề thi. Đây là vấn đề đang nóng trong nhiều tháng nay, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
* Đề môn Địa khối C/Hướng dẫn làm bài môn Địa
Ở ý đầu tiên của câu 1, đề yêu cầu thí sinh trình bày vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời nêu ý nghĩa về an ninh quốc phòng trong việc ngư dân đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Ở điểm thi Học viện Hành chính, hết 2/3 thời gian, đã có lác đác thí sinh ra khỏi phòng thi. Một nữ sinh quê Nghệ An cho biết, đề Địa nằm trong kiến thức đã được ôn tập nên em làm khá nhanh.
"Câu hỏi về biển đảo em đã lường trước nên viết khá tốt. Những kiến thức đã học cộng với thông tin được tiếp nhận trên các phương tiện thông tin truyền thông thời gian qua giúp em tự tin giành điểm tối đa câu này", nữ sinh nói và cho hay, việc ngư dân Việt Nam bám biển, bám ngư trường truyền thống không chỉ giúp họ phát triển kinh tế, mà còn là hành động khẳng định chủ quyền đất nước.
Nguyễn Kim Dung (18 tuổi, quê Thanh Chương, Nghệ An) dự thi khối C vào khoa Luật Đại học Vinh cho biết, đề Địa năm nay khá thú vị, bao hàm kiến thức và vận dụng thực tế nhiều. So với những đề thi các năm trước Dung đã luyện thì nhìn chung không khó hơn.
Trong 4 câu, Dung thấy khó nhất là câu số 2 hỏi về nhà máy thủy điện. "Em làm tốt nhất là câu số 3 nói về phát triển nghề cá và phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Thú vị nhất là câu số một nói về vùng đặc quyền kinh tế nước ta và vấn đề thiếu việc làm, Dung tự chấm bài mình đạt khoảng 60-70%.
Nguyễn Dương (18 tuổi, quê Thanh Hóa) cùng dự thi vào khoa Luật Đại học Vinh thì thấy đề thi bao hàm kiến thức rộng, nếu học tủ khó đạt điểm cao, câu một khó đạt điểm tuyệt đối nhất vì vận dụng thực tế nhiều.
Ở điểm thi ĐH Luật Hà Nội, thí sinh Tống Văn Đức cho biết rất thích thú với câu hỏi về biển Đông. Theo Đức, đưa vấn đề ngư dân đánh cá vào đề thi giúp cho thí sinh hiểu rõ tác dụng của việc bảo vệ ngư trường truyền thống đến an ninh quốc phòng quốc gia.
"Việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo này. Không chỉ bảo vệ các đảo mà vùng biển, thềm lục địa, đặc quyền kinh tế cũng cần phải bảo vệ", Đức khẳng định.
Câu vẽ biểu đồ nhiều thí sinh cũng nhận xét là dễ. "Với các dữ liệu được cho trong bốn năm, để thể hiện rõ nhất tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản ở nước ta giai đoạn 2000 – 2010 thì phải dùng biểu đồ đường", Lê Thị Phương Thảo, dự thi vào trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn nói.
Hầu hết sĩ tử Huế thích thú với câu hỏi về thềm lục địa của Việt Nam và nhận định về việc ngư dân đánh cá ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Theo các em, với dạng đề này, ngoài việc học thuộc bài, thí sinh muốn làm tốt phải vận dụng nhiều kiến thức xã hội và bám sát tình hình biển đảo trong thời gian gần đây.
"Em tin là mình sẽ được điểm tốt bài thi Địa sáng nay”, Nguyễn Trung Dương dự thi vào Khoa Luật, ĐH Huế nói.
Ở TP HCM, tại điểm thi trường THPT Nguyễn Trãi nhiều thí sinh hồ hởi cho biết "trúng tủ" khi ôn rất kỹ về vấn đề thời sự Biển Đông những ngày gần đây. "Trong khoảng hai tháng nay em liên tục cập nhật tình hình biển đảo Việt Nam, ngoài kiến thức trong sách giáo khoa em còn theo dõi thông tin qua các kênh báo chí. Sáng nay đề thi yêu cầu trình bày vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và hoạt động đánh bắt thủy hải sản của ngư dân tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, em đã làm rất tốt câu này", một thí sinh cho biết.
Trong bài làm của mình, nữ sinh này cũng đã đưa việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động trái với luật pháp quốc tế, đe doạ nghiêm trọng đến vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và chúng ta đang kiên quyết bảo vệ đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Tương tự, trong phần bài làm của mình Ngọc Ly, cho biết việc ngư dân tham gia đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa hiện đang gặp rất nhiều cản trở ngang ngược từ phía Trung Quốc nhưng đây là hai ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Việc ra khơi bám biển của ngư dân giờ đây không chỉ là việc khai thác nguồn lợi hải sản mà còn là tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, chính những người dân này đã góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển.
Ngoài câu về liên quan đến vấn đề Biển Đông những câu còn lại được Ly cho biết là khá dễ. Mặc dù đề khá dài và yêu cầu lượng kiến thức nhiều nhưng năm nay môn Địa thí sinh được làm 180 phút nên vẫn đủ thời gian để làm bài. "Toàn bộ kiến thức đều tập trung chủ yếu ở lớp 12 và đều là kiến thức cơ bản, đặc biệt ở câu II VÀ III của đề thi rất dễ gỡ điểm nên em nghĩ mình sẽ được 8 điểm trở lên ở môn này", Ly vui vẻ chia sẻ.
Nhận xét đề thi của nhóm giáo viên THPT Anhxtanh Hà Nội: Cô Phùng Thị Thanh Thảo, giáo viên dạy Địa lý nhận xét đề thi môn này vừa sức với trình độ của học sinh. Nội dung các câu hỏi nằm hoàn toàn trong chương trình SGK, chỉ cần học sinh ôn luyện chăm chỉ thì bài làm sẽ đạt trên 70%. Với bốn câu hỏi, đề Địa đã bao quát được các nội dung trong chương trình, đa dạng các vấn đề về việc làm, ngành kinh tế và vùng kinh tế. Đề thi tránh việc học tủ và không cần quá nhiều tư duy logic. "Câu hỏi về biển đảo tương tự như đề thi địa lý tốt nghiệp, do đó các em có thể trả lời tốt câu này và đạt điểm tuyệt đối", cô Thảo nói. |
Nhóm phóng viên