So với bỏng gạo tẻ thì bánh bỏng mật là thứ "xa xỉ" và "đẳng cấp" hơn vì bánh có thêm đường mật, ngọt và thơm mà không nhạt như bỏng gạo. Nguyên liệu làm bánh rất đơn giản, chỉ gồm thóc nếp và đường.
Làm bánh bỏng, người ta chọn gạo nếp cái hoa vàng, rộng gạo, nghĩa là hạt gạo phải đều tăm tắp, không bị gãy, không bị đớn. Như thế khi làm bánh mới ngon mà nhìn lại đẹp mắt. Gạo nếp cho vào máy bật bỏng để làm chín gạo. Mỗi hạt gạo sẽ cho ra một hạt bỏng trắng tinh, to gấp đôi, gấp ba gạt gạo ban đầu.
Tiếp theo là công đoạn nấu đường. Đường cho vào chảo, đun nhỏ lửa đến khi nước đường ngả màu vàng hổ phách, màu cánh gián thì đổ vào đó một chén nước gừng tươi giã nhỏ. Sau đó đổ bỏng nếp vào nước đường, đảo đều nhanh tay cho đường dính đều và kết dính từng hạt bỏng với nhau, tiếp theo nhanh tay đổ ngay hỗn hợp ấy vào khuôn bánh hình vuông hay chữ nhật hay hình tròn khi đường chưa đông lại.
Bánh càng lèn chặt thì càng đặc và ngon, khi thành phẩm càng dễ cắt. Do vậy, khi đổ vào khuôn, họ thường dùng dao, phên gỗ hay mặt sau của thìa múc canh để lèn bánh. Sau khi lèn bánh xong thì lấy bánh ra khỏi khuôn và để bánh nguội bớt. Cắt bánh nhỏ theo ý muốn bằng dao mỏng và sắc. Cho bánh vào túi nilon để bánh giữ được độ giòn thơm.
Vị ngọt của đường, vị ấm và mùi thơm của gừng, vị xôm xốp của bỏng nếp đem đến cảm giác quen thuộc và ấm áp cho người thưởng thức. Ăn bánh cũng là một nghệ thuật mà không phải ai cũng biết, cầm làm sao cho bánh không dính tay, cắn miếng bánh sao cho bánh không bị bở, đường không dính vào môi!
Ngày nay, những hàng rong bán bánh bỏng mật trên những con phố Hà Nội lại nhắc tôi nhớ về một thời tuổi thơ và những kỉ niệm với món bánh dân dã này. Nếu ai chưa một lần được thưởng thức thứ quà vặt này, hãy thử để cảm nhận hương vị của bánh, sự hấp dẫn ngay từ cái tên!
Bài và ảnh Phương Lam
Mời bạn đọc chia sẻ các món ăn ngon, lạ ở các vùng miền về doisong@vnexpress.net. Bài viết có nhuận bút.