Tật hở hàm ếch có thể gây rối loạn phát âm, thậm chí rối loạn nghiêm trọng tới mức ngôn ngữ nghe rất khó hiểu, đặc biệt là khi khe hở rộng, ảnh hưởng tới cả hàm ếch cứng (xương khẩu cái) và hàm ếch mềm (màn hầu). Nguyên nhân là hàm ếch có một vai trò khá cơ bản trong sinh lý phát âm. Khi phát tất cả các âm (trừ các âm mũi: m, n, ng và các vần có âm sắc mũi như: -anh, -ang, -ăng, -ông...), hàm ếch cứng cần phải được đóng kín (nghĩa là phải nguyên vẹn) và hàm ếch mềm phải di động được tốt: nâng lên, áp sát vào thành họng để ngăn cách được hoàn toàn khoang miệng với khoang mũi. Khi cần phát các âm mũi, hàm ếch mềm lại phải hạ xuống cho khoang mũi thông với khoang miệng, với các độ mở khác nhau.
Khi bị hở hàm ếch, âm sắc của giọng bị rối loạn. Nguyên do là khe hở hàm ếch tạo nên sự thông thương thường xuyên giữa khoang mũi và khoang miệng, biến chúng thành một khoang chung có cộng hưởng không thay đổi. Vì thế, không còn có sự khác biệt giữa các âm mũi và các âm không mũi .
Dị tật này cũng khiến cấu âm bị rối loạn. Trở ngại gây ra bởi khe hở hàm ếch khiến một số lớn nguyên âm và phụ âm không còn phát được chuẩn xác.
Để ngăn cản và hạn chế hơi thoát ra đằng mũi, những người bị hở hàm ếch rộng còn có những cử động bù trừ không bình thường của các cơ mặt khi nói như: co thắt các cánh mũi, nhăn mũi, nhếch mép, tạo ra sự căng thẳng khi giao tiếp.
Hiện nay, nước ta đang có nhiều đợt tiến hành phẫu thuật chỉnh hình cho các trẻ em bị tật hở hàm ếch và hở môi trong khuôn khổ Phẫu thuật nụ cười, do Viện Răng hàm mặt phối hợp với các tổ chức nhân đạo quốc tế tổ chức. Nên mổ sớm từ 6 tháng tuổi đối với tật hở môi và từ 2 năm tuổi đối với tật hở hàm ếch (nếu trẻ khỏe mạnh). Việc phẫu thuật sớm không những giúp cho trẻ thơ sớm có được nụ cười hoàn hảo mà còn phòng được tật nói ngọng vào thời điểm trẻ bắt đầu học nói.
GS Phạm Kim, Sức Khỏe & Đời Sống