Làm việc cho một cơ quan nhà nước theo mô hình tự hạch toán thu chi tại Hà Nội, Trang không trông chờ nhiều vào khoản thưởng Tết Ất Mùi khi trong năm thỉnh thoảng lương tháng vẫn bị trả chậm. Năm ngoái, cơ quan cô bắt đầu có hiện tượng nợ lương nhân viên. Tuy nhiên đến gần Tết thì các khoản đều được thanh toán hết, ngoài ra mỗi nhân viên vẫn có thêm 3 triệu đồng thưởng Tết.
Năm nay, tình hình làm ăn của cơ quan cũng khó khăn như năm ngoái, lương tháng vẫn bị nợ, mấy tháng trả một lần. Dịp Tết dương lịch vừa rồi cơ quan mới trả hết lương của 3 tháng cuối năm 2014. Trang cẩn thận bỏ riêng một khoản để mua vé tàu về quê, biếu bố mẹ và đóng tiền phòng trọ sau Tết. Rất "kết" một chiếc áo choàng và đôi bốt nhưng Trang chỉ dám ra cửa hàng ngắm và đành chờ. Mỗi ngày đến cơ quan, Trang và đồng nghiệp vừa dè dặt bàn tán về Tết, vừa sợ nhận được thông báo thưởng chỉ mang tính tượng trưng.
![IMG-0009-JPG-4853-1422625945.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/01/30/IMG-0009-JPG-4853-1422625945.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CWvzJD9BbzN8UbcHKRZJbw)
Nhiều người hiện chưa dám mua sắm vì còn chờ tiền thưởng Tết. Ảnh: Kim Anh.
Bộ phận kinh doanh tốt, tháng 11 đã hoàn thành chỉ tiêu của năm, anh Thành, nhân viên một công ty phần mềm tại TP HCM chắc chắc thưởng Tết năm nay sẽ nhiều nhưng cũng chưa dám mua gì vì chưa nhận thông báo tiền. Anh đã lên danh sách sắm một lò vi sóng cho mẹ, thay điện thoại cho người yêu nhân dịp Valentine 14/2, mua một chiếc đồng hồ cho mình. Anh đã xem kỹ tính năng của các món hàng cũng như nơi bán rẻ nhất, chỉ cần nghe tin nhắn báo hiệu tiền về trong tài khoản là sẽ lên đường đi shopping ngay. “Chỉ sợ mình tính xông xênh quá, cuối cùng thưởng ít hơn tưởng tượng”, anh Thành hồi hộp.
Anh Phan ở Hà Nội cũng dự định mua tặng bố mẹ vợ ở quê một chiếc tivi khoảng 5 triệu đồng sau khi nhận thưởng Tết. Vợ chồng đang sống cùng bố mẹ anh, lương hàng tháng của anh chị vừa đủ chi tiêu trong gia đình với bốn người lớn, hai đứa con đang tuổi ăn học và một khoản tiết kiệm cố định dưỡng già. Muốn mua sắm gì đặc biệt, anh chị đều trông chờ các khoản thu nhập phát sinh.
“Các sếp kín tiếng lắm, chưa thấy thông báo gì, hình như còn chờ tổng kết doanh thu của tháng 1 mới quyết định, nhưng mình đoán chắc chắn sẽ có một khoản bằng một tháng lương thứ 13”, anh Phan đầy băn khoăn về số tiền thưởng sẽ nhận được. Ngoài mua quà cho bố mẹ vợ, anh cũng dự định sắm cho hai đứa con vài bộ quần áo chơi xuân, còn lại anh sẽ giao cho vợ quản lý, gộp chung với tiền thưởng của vợ để mua sắm cho gia đình.
Còn chị Tuyết, công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, TP HCM, được công ty thông báo có một tháng lương 13 và hỗ trợ nhân viên một phần tiền tàu xe về quê, khiến chị phấn khởi hơn. Tuy nhiên, chị cũng cảm thấy buồn vì phải đến sát ngày nghỉ công ty mới có thưởng. "Sẽ có cảnh người người xếp hàng dài ở cây ATM chờ rút tiền, chỉ sợ đến lượt mình thì hết. Rồi hàng hóa không biết lúc đó còn khuyến mãi giải giá nữa hay không", chị Tuyết lo lắng.
Chị Minh Phương, nhân viên ngân hàng ở Hà Nội thì đã nhận tiền thưởng Tết được vài hôm nhưng cũng chưa mua sắm gì vì còn chờ lương tháng 1 và những khoản nhỏ từ quỹ công đoàn hay phần thưởng dành cho nhân viên xuất sắc của chồng. Có đủ tổng số tiền trong tay, chị mới yên tâm phân bổ nên mua sắm cái gì cho phù hợp.
Khoản thưởng Tết của chị là lương tháng thứ 13, sẵn "một cục" trả ngân hàng để giảm khoản vay mua nhà mà anh chị đang nợ. Chị dự kiến sẽ cố gắng chi tiêu trong một mức nhỏ hơn số tiền được thưởng của cả hai vợ chồng cộng lại. Công ty anh chưa phát thưởng nhưng Ban giám đốc đã thống nhất thưởng mỗi người được 4 triệu đồng.
Ngoài khoản tiển biếu bố mẹ hai bên tổng cộng 6 triệu đồng để các cụ sắm Tết, chị Phương dự định chỉ sắm cho nhà mình một cành đào, mâm lễ chay cúng thổ công. hai con gà, 3 kg thịt, một thùng nước ngọt, mấy chai rượu vang và ít đồ khô dự trữ đề phòng bạn bè đến chơi, cao hứng tu tập ăn uống.
"Vợ chồng mình sẽ luân phiên ăn Tết bên nhà ông bà nội và ông bà ngoại của cu Tí để các cụ vui, chắc chẳng mấy khi ăn ở nhà", chị Phương lý giải cho việc hạn chế mua thực phẩm. Năm ngoái, ăn Tết xong, chị tăng 2 kg, mất gần 3 tháng luyện tập, kiêng khem mới trở về phom cũ. Mấy bữa chị nấu ăn ở nhà, chồng và con trai ăn ít hơn ngày thường, bao nhiêu phần thừa chị không nỡ đổ đi mà ăn cố, cuối cùng vòng 2 tăng vù vù.
"Cứ đơn giản hóa thấy Tết vui và nhàn hơn rất nhiều", chị Phương chia sẻ. Chị bảo muốn tiết kiệm để trả nợ ngân hàng và dự định mùa hè cả nhà đi du lịch.
![10366146-10205497714057784-614-2191-7492](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/01/30/10366146-10205497714057784-614-2191-7492-1422625946.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jDGDiMYbUz-CR4sRZgMyNg)
Ảnh chế về thưởng Tết được chia sẻ nhiều trên Facebook.
Những ngày này, thưởng Tết trở thành một trong những đề tài thu hút cư dân mạng. Những trạng thái chém gió thưởng Tết... mấy trăm triệu đồng, ảnh - video chế lương thưởng, hay clip cũ “Thưởng em đâu sếp” của "Giáo sư Cù Trọng Xoay"... liên tục được chia sẻ trên Facebook.
Tuy nhiên, cũng có những người thờ ơ với khoản thưởng Tết vì biết chắc giá trị không nhiều của nó. Hai vợ chồng cùng là giáo viên, chị Giang (Thái Bình) cho biết thưởng Tết của vợ chồng chị mấy năm nay đều ở mức 500.000 đồng một người, không đủ để chị mừng tuổi. Đổi lại, nhà chị có ruộng trồng lúa, vườn rau trồng vụ đông và có đất nuôi gà, đây đều là những món quà Tết mà người thành phố rất thích. Quá quen với khoản thưởng Tết ít ỏi, hàng tháng chị đều để dành một phần lương cho tiết kiệm và một phần chi tiêu cho những sự kiện đặc biệt. Do đó tài chính gia đình không quá khó khăn trong những ngày này.
Còn công ty của anh Đức, ngụ tại Phú Nhuận, TP HCM, thưởng Tết bằng 2 tháng lương nhưng anh không thấy hào hứng vì chỉ được 500.000 đồng do mới gia nhập công ty hơn một tháng. "Mình nhảy việc vào cuối năm, thưởng công ty cũ không được, thưởng công ty mới có chút xíu", anh Đức ngậm ngùi và tự hứa năm con dê sẽ cố gắng làm việc tốt để Tết sang năm có thưởng cao.
Kim Anh