Mùa hành hương ở Sri Lanka kéo dài từ Unduwap poya (tháng 12) đến lễ hội Wesak poya (tháng 5), với cao điểm rơi vào độ tháng 1 - 2 hàng năm. Ngoài khoảng thời gian này, vẫn có người mộ đạo viếng thăm đất thánh, nhưng họ phải tự thắp đuốc tìm đường lên đỉnh núi và đôi khi gặp phải những cơn mưa ban chiều.
Cái tên Sri Pada có nghĩa là "dấu chân thiêng liêng", được đặt theo hình dạng tựa như bàn chân khổng lồ của đỉnh núi. Tương truyền đây là nơi Đức Phật hiện ra ở Sri Lanka. Ngọn núi thiêng liêng này còn được biết đến với tên gọi "Đỉnh Adam", nơi Adam và Eva nương náu sau khi bị trục xuất ra khỏi vườn địa đàng. Danh xưng của đất thánh này còn nhiều, nhưng tôi thích nhất tên gọi "Samanalakande", nghĩa là ngọn núi bươm bướm, nơi loài bướm tìm về để gửi đôi cánh vào đất mẹ.
Lúc trời còn tối mịt, chúng tôi bắt đầu chuyến hành hương, hy vọng đến đích khi mặt trời ló dạng. 3 giờ sáng, tôi và người bạn đồng hành đặt những bước chân đầu tiên lên con đường dẫn đến đỉnh ngọn núi thiêng. Các nhà sư cột những chiếc vòng quanh cổ tay chúng tôi và lầm rầm lời chúc phúc, hướng dẫn chúng tôi đừng động chạm vào chiếc vòng cho tới khi chúng tự rơi khỏi tay trên đường lên núi.
Từ dưới chân núi, tất cả những gì chúng tôi trông thấy là một dải ánh sáng mỏng manh nổi lên giữa màn đêm, làm thành một con đường mờ ảo tưởng chừng vô tận hướng thẳng lên bầu trời. Dọc đường lên núi, phấp phới vô số lá cờ Phật giáo treo trên những bậc thang khập khễnh, bên cạnh những quán trà nhỏ xinh mở cửa suốt đêm để phục vụ đoàn người hành hương.
Tôi nhìn thấy những người già, người khuyết tật, các em bé chưa chừng 5 - 6 tuổi… cùng nhau bước qua nghìn bậc thang trên đôi chân trần, thành tâm tìm về thánh địa. Chúng tôi, hai người trẻ tuổi dồi dào sức khoẻ, trang bị giày và quần áo leo núi chuyên dụng, vậy mà cuộc hành trình còn lắm vất vả. Tôi không thể tưởng tượng làm cách nào những cụ già, em bé có thể hoàn thành được cuộc hành hương. Quả thật, niềm tin có một sức mạnh vô biên, đưa con người vượt qua mọi rào cản, mọi giới hạn của bản thân, tất cả vì lòng sùng kính sâu đậm với tôn giáo của mình. Đoàn người cúi đầu thành kính, tâm hướng cõi Phật, vừa bước vừa nhẩm theo lời kinh âm vang suốt dọc đường.
Cuộc hành trình kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ, tuỳ vào sức khỏe của mỗi người. Đường lên đỉnh núi được cắm biển hướng dẫn rất chi tiết, với các bậc thang ban đầu thì thoai thoải, càng về sau càng dốc đứng. Đến khoảng giữa đường, bậc nối bậc kế tiếp nhau không ngừng, nhưng thật may mắn vì những hàng quán luôn xuất hiện đúng lúc mỗi khi chúng tôi cần nghỉ chân để tiếp năng lượng.
Sau hơn 2 giờ cặm cụi "thân ai nấy bước", chúng tôi đã lên được đến đỉnh núi và tìm gặp được nhau. Mệt rã rời, cả hai cùng thở phào dưới bầu trời huyền hoặc vẫn đang mong chờ tia nắng ban mai. Màn đêm tĩnh lặng đưa chúng tôi vào một trạng thái an nhiên, thư thái đến kỳ lạ. Và trong cõi thanh tịnh đó, tôi cảm nhận được mối giao cảm mật thiết giữa vạn vật, giữa mọi tâm hồn.
Mặt trời vẫn còn ẩn hiện sau đường chân trời, tô dần sắc hồng cam lên nền trời trong vắt, làm tan dần màn mây bao bọc đỉnh núi. Một nhà sư đứng tách ra khỏi đám đông và bắt đầu cất lời kinh cầu nguyện. Hàng trăm người cùng hoà thanh, lời kinh âm vang lớn dần, lớn dần lên mãi. Con người và đất trời hoà làm một trong một khung cảnh thiêng liêng và tĩnh tại vô biên.
Khi vầng dương ló dạng, tất cả mọi người đều lặng im, chìm đắm trong một khung cảnh đẹp nao lòng. Chưa khi nào khoảnh khắc đầu tiên của ngày mới lại làm tôi xúc động như khi đứng trên đỉnh Sri Pada ngày hôm đó.
Dưới ánh mặt trời toả rạng soi rõ khung cảnh xung quanh, một nhóm Phật tử mặc áo trắng xuất hiện. Họ mang theo rất nhiều vật dụng tiến vào ngôi đền phía sau chúng tôi, nơi có rất nhiều người hành hương đang tụ hội và cầu nguyện. Do không phải là một tín đồ Phật giáo, tôi không hiểu hết nội dung của buổi lễ, nhưng vẫn cảm thấy một niềm sùng kính thiêng liêng dâng lên trong tâm hồn. Chúng tôi theo con đường khác xuống núi và được một nhà sư tiến đến chúc phúc lành. Chuyến hành trình lên đỉnh ngọn núi thiêng kết thúc đã mở ra một hành trình mới cho chúng tôi trên đường đời.
Đông Trúc