Vết sạt lở khiến núi Langbiang trông như bị xẻ làm hai. Ảnh: Quốc Dũng |
Trong đêm 25/8, những âm thanh ầm ầm như sấm trời kéo dài 20 phút. "Mọi người thấy lạ lắm. Sáng ra thấy ngọn núi Langbiang như bị xẻ đôi", anh Bon Đing Đim, một người dân sống dưới chân núi cho biết.
Vị trí sạt lở xuất phát từ gần đỉnh núi. Một lượng đá rất lớn tuột xuống núi khoảng 500 m. Rất nhiều cây cổ thụ bị cuốn ngã do đá rơi nhưng rất may không có người thương vong.
Theo người dân tộc Lạch sống dưới chân núi, LangBiang có 2 ngọn cao gọi là núi ông và núi bà. Phần bị sạt lở đêm qua nằm ở núi ông, phía Tây thành phố Đà Lạt.
Nhạc sĩ Krjan Plin cũng là một vị già làng lâu năm dưới chân núi LangBiang cho biết, tất cả những dân tộc ít người vùng Nam Tây Nguyên đều coi LangBiang là núi thần. Theo sử thi, ngọn núi này là công trình tạo dựng cuối cùng của thần linh và được ví như một cái rốn trời. Các tộc người Lạch, Cil cư trú dưới chân núi đều cho rằng núi LangBiang có một sức mạnh mà không có bất cứ phương tiện hay biến cố nào có thể làm thay đổi được. Trong cuộc sống thường ngày, để nói đến những điều không tưởng, dân làng thường có câu cửa miệng "nếu làm được như thế thì núi LangBiang cũng phải lở".
Vì thế, việc ngọn núi bị lở được nhiều người Lạch bàn tán cho rằng núi LangBiang đang tỏ thái độ không vừa lòng, giận con người vì không biết bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống trong lành. Hiện tượng này như báo hiệu một điều gì đó. "Sạt lở núi LangBiang lần này hoàn toàn do thiên nhiên bởi tại độ cao và hiểm trở như chỗ sạt lở thì người dân không thể xâm hại hay có những tác động bằng dụng cụ lao động", ông Krjan Plin nhận định.
Theo lãnh đạo huyện Lạc Dương, núi LangBiang thuộc quyền quản lý của Vườn quốc gia BiĐúp - Núi Bà. Đây không phải là lần đầu tiên ngọn núi này bị sạt lở, song ở những lần trước không nghiêm trọng như vậy. Cơ quan chức năng đang tìm nguyên nhân và hướng xử lý sự việc.
Quốc Dũng