Người gửi: Chu Hải Hà
Gửi tới: Ban Đời sống
Tiêu đề: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Về bài báo "Bùng phát ngôn ngữ vỉa hè", tôi cũng có một vài suy nghĩ. Đúng là có thực trạng này, mà chính tôi cũng có thói quen như vậy. Tôi đang là sinh viên du học ở Nga, bình thường khi nói chuyện với người bạn Việt cùng học cũng hay sử dụng tiếng Việt lẫn tiếng Nga để nói, cái đó cũng coi là bình thường vì đang sống trong một môi trường nửa Việt nửa Nga. Không chỉ dùng tiếng Nga, đôi khi trao đổi thông tin trên mạng, chính tôi cũng hay dùng xen lẫn tiếng Anh để diễn đạt.
Có thể bạn cho tất cả thực trạng của bài báo nói trên là bình thường, không có gì để sửa, nhưng tôi ngẫm lại thì thấy thế này: Nếu như vậy thì cùng với thời gian, tiếng Việt của chúng ta sẽ trở nên méo mó, không còn là tiếng mẹ đẻ của mình nữa rồi. Tôi nói vậy cũng không quá. Ngôn ngữ là của thế hệ đi trước, ông cha truyền lại (từ "mẹ đẻ" cũng bao hàm nghĩa như vậy) Bây giờ thế hệ sau nói mà thế hệ trước không hiểu gì, vậy có phải mất gốc không.
Nói sâu xa là vậy. Giờ nói về một gốc độ khác: Điều này sẽ cản trở sự trao đổi thông tin, kiến thức giữa các tầng lớp trong xã hội, người không có vốn liếng ngoại ngữ sẽ không hiểu được gì cả, cản trở giao tiếp ở một mức độ nhất định, hậu quả nhẹ nhất là gây hiểu lầm.
Ở một góc độ khác nữa, đó là lòng tự hào dân tộc. Tôi học tập bên Nga này tôi biết, ở Nga tất cả từ ngữ ngoài đều được phiên dịch hay phiên âm (nếu chưa có trong từ điển) sang tiếng Nga hết. Không phải người Nga ít biết hay kém ngoại ngữ. Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao họ lại làm vậy, vì phiên âm sang tiếng Nga nghe rất buồn cười, thậm chí cả tên cầu thủ đá bóng cũng được phiên âm từng từ. Nhưng giờ tôi hiểu, vì đó là lòng tự hào dân tộc thể hiện qua việc giữ gìn ngôn ngữ. Hơn nữa nước Nga là một nước lớn, họ có ; niềm tự hào và luôn giữ gìn niềm tự hào đó. Không chỉ nước Nga, mà nước Pháp cũng vậy. Ai cũng biết tiếng Pháp không phổ thông bằng tiếng Anh, nhưng tại sao họ vẫn muốn “cạnh tranh” tổ chức các hội nghị nói tiếng Pháp, luôn muốn truyền bá ngôn ngữ của mình...
Có thể các bạn cho rằng đó là các nước lớn nên họ mới có lòng tự hào như vậy, chẳng lẽ chúng ta lại không có lòng tự hào sao? Chúng ta là nước nhỏ nhưng phải “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Nếu mai sau nước ta phát triển thành cường quốc thì phải nói thế nào với thế hệ lúc đó về ngôn ngữ mẹ đẻ đây? Lúc đó làm sao lấy lại được sự trong sáng của tiếng Việt nữa, làm sao còn lòng tự hào ngôn ngữ của mình?
Chúng ta có một thứ rất quý, đó là ngôn ngữ riêng của mình. Tôi có một người bạn Ecuador. Bạn ấy nói nước bạn cũng có ngôn ngữ của mình, nhưng tôi hỏi câu chào tiếng mẹ đẻ là gì thì bạn ấy cũng không biết. Giờ bạn chỉ nói được tiếng Tây Ban Nha. Thật buồn cười khi công nhận mình có tiếng mẹ đẻ không nói nổi một từ. Vì vậy, tôi thấy thật may mắn khi chúng ta có ngôn ngữ riêng của mình dù qua nghìn năm đô hộ của Trung Quốc hay các nước ngoại xâm khác. Chúng ta phải giữ gìn và phát triển nó!
Việc này tôi thấy trước tiên trách nhiệm thuộc về những nhà ngôn ngữ học, thứ hai thuộc về nhà nước phải có chính sách hoạch định để giữ gìn và phát huy bản sắc, sự trong sáng của tiếng Việt. Kế đến mới là những người trí thức như chúng tôi. Những người trí thức đầu ngành cũng có trách nhiệm giúp đỡ những người ngôn ngữ học để thống nhất các từ ngữ chuyên ngành. Tất cả phải làm việc nghiêm túc và có khoa học, như vậy mới thu được kết quả.
Trên đây là vài chia sẻ của tôi. Cám ơn các bạn đã lắng nghe.