Trong bài báo khoa học có tên "Kẻ nói dối và kẻ bắt chước" đăng trên tạp chí Royal Socielty Open Science tháng 1/2021, nhóm tác giả từ Đại học Rotterdam (Hà Lan) cho biết đã khảo sát 50 sinh viên đại học trước khi đưa ra phát hiện trên.
Cụ thể, 50 sinh viên được yêu cầu giải một trò xếp hình. Mỗi người chỉ được cho năm phút trong khi trò chơi khó và đòi hỏi nhiều thời gian. Sophie Van Der Zee, trưởng nhóm nghiên cứu, vờ như vô tình để lộ đáp án nhưng thực chất là "khuyến khích sinh viên gian lận" với điều kiện họ không được tiết lộ việc này với các giám thị.
Hết năm phút, các sinh viên dừng tay và trao đổi với nhau về trò chơi. Thông qua thiết bị cảm biến, nhóm tác giả nhận thấy người nói dối cử động giống hệt người họ đang nói chuyện cùng còn người nói thật lại có những hành vi hoàn toàn khác với người đối diện.

Minh họa: Association for Psychological Science.
Bà Van Der Zee tin rằng khi nói dối, tâm trí phải làm việc tập trung hơn bình thường để che giấu sự không trung thực nên con người vô tình bắt chước ngôn ngữ cơ thể của người khác để tiết kiệm năng lượng.
Nhóm nhà khoa học thừa nhận nghiên cứu còn hạn chế là chưa thể loại trừ khả năng người nói thật cũng bắt chước cử động của người nói dối. Song, họ nhận định phát hiện này có thể được ứng dụng vào lĩnh vực khoa học hình sự.
Thu Nguyệt (Theo New Scientist)