Tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Triều Tiên tản bộ và trò chuyện riêng.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần ba vào ngày 27/4 trở thành cuộc gặp thu hút sự chú ý của thế giới. Ngoài chủ đề thảo luận chính giữa hai lãnh đạo, giới chuyên gia còn tập trung phân tích những thông điệp ngầm trong ngôn ngữ cơ thể và cử chỉ của họ, AFP đưa tin.
"Khi quan sát cả hai người, tôi có ấn tượng là họ đã tính toán cách chào nhau trước công chúng quốc tế nhằm gửi đi thông điệp mạnh mẽ. Họ muốn tất cả mọi người có thể hiểu được điều họ đang muốn nói," chuyên gia ngôn ngữ Judi James nhận xét hai lãnh đạo muốn truyền đi toàn thế giới thông điệp về đoàn kết và hữu nghị qua những cái ôm và nắm tay. Những cử chỉ thân mật như vậy không có trong truyền thống văn hóa châu Á.
"Tốc độ ông Kim Jong-un bước về phía đường biên giới cho thấy năng lượng và sự nhiệt thành", nữ chuyên gia nói tiếp. "Thú vị là ban đầu ông ấy hướng ánh mắt nhìn xuống đất nhưng ngay khoảnh khắc nhìn thấy Tổng thống Moon, lãnh đạo Triều Tiên lập tức nở nụ cười lớn. Giây phút đó gần như tạo nên sự kết nối trực tiếp giữa họ".
Chuyên gia James phân tích Tổng thống Hàn Quốc đã cố gắng để chứng tỏ mình là "chủ nhà hiếu khách" qua cách ông Moon "chìa lòng bàn tay hướng lên trên khi mời lãnh đạo Triều Tiên bước qua biên giới nhằm ra tín hiệu về sự cởi mở".
"Cả hai người đều không cố ý có cử chỉ và hành động để thể hiện quyền lực và sự trang trọng lạnh lùng", bà James nói.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, cách chào hỏi giữa lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên khá giống cách giao tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
"Kể cả những cử chỉ kéo dài để truyền đi thông điệp về tình bạn như một cái bắt tay trở thành một cái nắm tay rồi cả hơi cùng giơ tay lên. Những hành động như vậy ông Trump và Macron làm rất khéo", chuyên gia này nói.
"Khi hai bên nắm tay, bàn tay của ông Kim luôn ở bên trên và chủ động giơ lên. Đây là hành động thường thấy của người ở thế áp đảo. Tuy nhiên, ông Moon mới là người chủ động ở đây. Do vậy trông giống như họ cùng nắm tay nhau", bà James phân tích chi tiết.
Bên cạnh đó, chuyên gia còn quan sát khi ông Moon Jae-in và Kim Jong-un tản bộ trên cây cầu gỗ, ngồi xuống trò chuyện cạnh chiếc bàn đặt dưới một tán cây.
"Ngôn ngữ cơ thể của họ mô phỏng lẫn nhau trong thời khắc có thể họ cùng chung suy nghĩ", bà James nói về cuộc chuyện trò riêng giữa hai lãnh đạo. "Khi họ đi xa khỏi cánh phóng viên, đầu người này dường như hướng về phía người kia. Điều đó cho thấy sự chân thành đối thoại và thậm chí có thể cả sự cảm thông".
Theo chuyên gia James, nhiều chính trị gia sẽ trở nên xa cách với nhau khi có những giây phút trò chuyện riêng tư cách xa các vệ sĩ, trợ lý và báo chí, "thú vị là hai người này không như thế". Chuyên gia còn để ý thấy đôi khi lãnh đạo Triều Tiên để hai tay ra sau lưng và "chủ động lắng nghe " khi ông Moon nói.
Sau các cuộc hội đàm ngày 27/4, lãnh đạo Hàn Quốc - Triều Tiên đưa ra tuyên bố chung, khẳng định sẽ tái lập hòa bình hai miền trong năm 2018. Hai bên đồng ý hợp tác chặt chẽ hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên tuy nhiên không đưa ra lộ trình và cách thức cụ thể. Theo người phát ngôn của tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Jong-un đã nhận lời mời của Tổng thống Moon thăm chính thức Nhà Xanh. Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố sẽ thăm Bình Nhưỡng trong mùa thu này.
Các thỏa thuận được lãnh đạo liên Triều nhất trí: Cam kết ký hiệp định hòa bình, chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên vào cuối năm nay Cam kết phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên Sẽ thiết lập "văn phòng liên lạc chung" tại Kaesong, nơi hai nước từng vận hành khu công nghiệp chung Nhất trí "khuyến khích hợp tác, trao đổi, thăm viếng, và liên hệ tích cực ở mọi cấp để hồi sinh hòa giải và đoàn kết dân tộc". Sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào ngày 15/6. Sẽ cùng tham gia các sự kiện thể thao quốc tế như Asian Games, được tổ chức ở Indonesia năm nay. Sẽ tổ chức các cuộc đoàn tụ gia đình bị ly tán vào 15/8. Nhất trí dừng tuyên truyền công kích nhau qua loa phóng thanh ở biên giới Nhất trí tổ chức các cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước. |
An Hồng