Thứ năm, 12/12/2024
Thứ tư, 6/12/2023, 19:15 (GMT+7)

Ngôi trường Trung Quốc được vinh danh Tòa nhà Thế giới 2023

Ngôi trường ở Ninh Ba được đánh giá cao vì thiết kế sáng tạo, vượt ra ngoài khuôn khổ hình mẫu trường học bình thường.

Liên hoan Kiến trúc Thế giới (WAF) ngày 1/12 trao giải "Tòa nhà Thế giới năm 2023" cho trường trung học phổ thông nội trú Huệ Trinh ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc.

Ngôi trường công lập trọng điểm của thành phố Ninh Ba nằm trên diện tích 62.000 m2, có công viên trên tầng thượng, sân thể thao với đường chạy dài 400 m.

Tòa nhà do Approach Design Studio, công ty kiến trúc có trụ sở tại Hàng Châu và nhóm thiết kế Đại học Bách khoa Chiết Giang thiết kế. Các khu vực chung trong khuôn viên trường được thiết kế để xóa nhòa sự khác biệt giữa không gian bên trong và bên ngoài.

"Chúng tôi không chỉ đặt trọng tâm vào thiết kế một ngôi trường, hay chú trọng vào các loại hình khối, không gian, vật liệu và mặt tiền mới, mà còn thiết kế cuộc sống học đường mới và mang sức mạnh của thiên nhiên vào ngôi trường", Mã Địch, giám đốc nhóm thiết kế, nói.

Tòa nhà có 4 khu dạy học, với 30 lớp và 1.500 học sinh. Liên kết 4 khu này với nhau là khu "rừng nổi" ở phía trước, nhìn ra sân thể thao. "Rừng nổi" có 40 loài thực vật với các lối đi uốn lượn và những cabin được thiết kế như nhà cây hay phòng trong suốt, nơi học sinh có thể ngồi nghỉ, trồng cây hay biến chúng thành đài phát thanh của trường.

Approach Design Studio cho hay trường học là nơi chú trọng hiệu quả giảng dạy, đồng thời cần truyền cảm hứng cho tư duy tự do. Trong mô tả dự án, các kiến trúc sư giải thích muốn giúp học sinh "thư giãn, điều chỉnh tinh thần, khám phá cái đẹp" bên ngoài lớp học.

Khu lớp học của trường.

Danh hiệu Tòa nhà Thế giới 2023 được coi là một trong những giải thưởng hàng đầu trong ngành kiến trúc và được hội đồng chuyên gia 140 thành viên đánh giá hàng năm trong Lễ hội Kiến Trúc Thế giới. Thiết kế đoạt giải nhất năm nay được ban giám khảo đánh giá cao vì phá vỡ quy ước thiết kế trường học.

Paul Finch, thành viên ban giám khảo, giám đốc chương trình của WAF, nhận xét dự án "gây ngạc nhiên và thích thú" cho người xem.

"Các kiến trúc sư đã cố gắng tạo ra một ngôi trường rất khác so kiến trúc thường thấy, nơi học sinh bị đóng hộp dưới áp lực học tập và trường lớp", Finch nói. "Thiết kế này khuyến khích học sinh đi bộ, hít thở không khí trong lành, giải tỏa áp lực học hành".

Mã Địch cho hay trường Huệ Trinh là trường nội trú, nơi trẻ em trải qua 3/4 thời gian trong quãng đời cấp ba. Trường học truyền thống có rất ít không gian riêng tư nên ông cố ý thiết kế một chút "không gian bí mật", tương đối khuất tầm nhìn.

"Chúng tôi muốn thời thanh xuân của các cháu có một góc nhỏ riêng tư cho bản thân, để thư giãn, hoặc để ở một mình mà không cần lo lắng luôn bị thầy cô giáo giám sát", nhà thiết kế nói.

Lối đi uốn lượn ở khu rừng nổi.

Không gian học tập chung và đọc sách của học sinh.

Tầng thượng của ngôi trường "có chức năng như một giảng đường mở và công viên trên sân thượng, cùng cơ sở vật chất dành cho thể dục thể thao, tạo ra kiểu hình kiến trúc mới về lối đi dạo", theo WAF.

Sau bữa tối, học sinh có thể lên tầng thượng đi dạo, ngắm trời mây.

"Sân thượng rất gần bầu trời, đứng ở đây em có cảm giác mình tự do", một nữ sinh lớp 11 cho hay.

Danh sách cạnh tranh giải thưởng năm nay có 250 dự án, trong đó có Nhà ga A mới khai trương của sân bay quốc tế Newark Liberty, bang New Jersey, Mỹ; Bảo tàng Holocaust ở Melbourne, Australia, các sân vận động quốc gia mới ở Campuchia và Senegal.

Mặt bằng ngôi trường rộng 62.000 m2.

Ảnh: World Architecture