Nằm khuất sâu trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), nơi có mật độ lưu thông dày đặc nhất nhì TP HCM, trường THPT Nguyễn Khuyến (cơ sở chính) những ngày này râm ran câu chuyện về kỷ lục 38 thủ khoa, á khoa mà học sinh khóa rồi vừa lập được. Riêng học sinh của cơ sở ở Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) có số lượng thủ khoa, á khoa cao nhất. Trong đó, lớp 12D1 có đến 12 người.
Không chỉ năm nay Nguyễn Khuyến mới có lượng thủ khoa, á khoa cao nhất TP HCM. Năm 2013, trường có 17 thủ khoa, 10 á khoa, 98% học sinh đậu đại học. “Mục tiêu của trường trong những năm tới là 100% đậu đại học”, thầy hiệu trưởng Lê Trọng Tín tự tin nói.
Nhiều năm nay, Nguyễn Khuyến được xem là lò luyện thủ khoa của cả nước. Trong 38 tân thủ khoa và á khoa, hầu hết đều của các đại học danh tiếng tại TP HCM, như Lê Hữu Quang Vinh, thủ khoa Đại học Ngoại thương TP HCM (28 điểm); Lê Thanh Tân và Võ Thị Huỳnh Yến chia nhau danh hiệu thủ khoa ĐH Kinh tế (27,5 điểm); Phan Tiến Bảo Anh thủ khoa ĐH Kinh tế - Luật (27 điểm); Cảnh Xuân Quỳnh thủ khoa ĐH Ngân hàng (27 điểm); Phạm Quốc Quang Sang, á khoa ĐH Y dược và ĐH Bách Khoa TP HCM (29 và 28 điểm)…
Để hiện thực hóa mục tiêu toàn bộ học sinh sẽ đậu đại học, ngay từ lớp 10, các em được tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Nhà trường dựa vào bốn yếu tố: Ước mơ, năng lực, nhu cầu xã hội và ý nguyện của gia đình để tư vấn chọn ngành. Cách này giúp mỗi học sinh xác định mục tiêu chí phấn đấu ngay từ đầu, nghề nghiệp tương lai cũng phải phù hợp với từng cá nhân. Theo thầy hiệu trưởng, đây là lý do giúp học sinh Nguyễn Khuyến có tỷ lệ đỗ đại học cao.
Ở trường, các học sinh sẽ học 2 buổi mỗi ngày chương trình giáo dục nâng cao. Với 60% học sinh nội trú, việc liên lạc với gia đình thông qua hệ thống điện thoại trả tiền của nhà trường, các em không được phép dùng di động. Nhà trường thiết lập kỷ luật nghiêm khắc để quản lý vấn đề học tập và sinh hoạt.
Nói về ngôi trường mình gắn bó nhiều năm, thủ khoa đại học Kinh tế TP HCM Lê Thanh Tân bộc bạch, mới đầu bỡ ngỡ nên việc tiếp thu chương trình rất nặng nhọc. Tân quê Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cuối cấp hai, cậu là học sinh giỏi nhưng nghiện game nặng. Ba mẹ cậu quyết định đưa con lên Nguyễn Khuyến nhập học, hy vọng môi trường này giúp Tân thay đổi. “Thầy cô chia sẻ nhiều bài học cuộc sống, truyền đạt phương pháp học mới nên dần cũng quen. Năm lớp 12, những môn yếu như Hóa em lại giỏi và thi được 10 điểm”, Tân nói.
Còn nam sinh đang theo học lớp 11 Thanh Bình (quê Bình Thuận) cho biết, muốn vào trường phải đạt danh hiệu học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt. “Xa nhà, ở nội trú nên mới đầu rất áp lực vì cảm giác phải học 24/24. Sau này tham gia chơi bóng rổ, bóng đá giúp bản thân cân bằng hơn”, Bình chia sẻ.
Thầy Lê Trọng Tín xác nhận những áp lực học sinh phải gánh chịu cũng như những tiêu chí nhà trường đặt ra. Theo đó, học sinh được tuyển vào bằng đường học bạ sẽ có nhiều tuần ôn luyện, kiểm tra kiến thức, ai quá kém sẽ trả về gia đình. Trường xác định chỉ đào tạo “gà chọi” và giúp các học sinh hoàn thành ước nguyện đại học.
Thành lập năm 1992 qua ý tưởng của Giáo sư Nhà giáo Nhân dân Lê Trí Viễn và Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Ngọc Phấn, 10 năm đầu, trường gặp nhiều khó khăn khi số lượng có năm chỉ hơn 70 học sinh, mục tiêu 100% tốt nghiệp 12 rất khó thực hiện. Qua 12 năm, trường đã có 4 cơ sở đào tạo với 180 phòng, hơn 6.000 học sinh. Hiện, trường đặt ra mục tiêu học sinh vào trường 100% sẽ đậu đại học.
Duy Trần