Khi các ngôi sao như Mặt Trời cạn kiệt nhiên liệu, chúng mất dần lớp vỏ ngoài và phần lõi co lại dần. Sử dụng Đài quan sát tia X Chandra của NASA, một nhóm nhà thiên văn học quốc tế tìm thấy bong bóng khí gas nóng ở trung tâm của ngôi sao chết, tinh vân hành tinh trong dải Ngân Hà mang tên IC 4593. Ở cách Trái Đất khoảng 7.800 năm ánh sáng, IC 4593 tinh vân hành tinh xa xôi nhất từng được phát hiện bằng Chandra.
Trong ảnh chụp mới, IC 4593 có màu tím, tương tự ngọc amethyst trong các hốc tinh thể trên khắp thế giới. Bong bóng của nó hình thành từ khí gas nóng tới hơn một triệu độ C. Nhiệt độ cao này là kết quả từ vật liệu bị thổi bay khỏi phần lõi co lại của ngôi sao và va chạm với khí gas bắn ra trước đó. Bức ảnh tổng hợp cũng chứa dữ liệu ánh sáng khả kiến từ Kính viễn vọng Không gian Hubble. Những vùng màu hồng phản ánh khí gas lạnh bao gồm nitơ, oxy và hydro, trong khi màu xanh chủ yếu là nitơ.
Dù mang tên tinh vân hành tinh, IC 4593 thuộc nhóm thiên thể không liên quan tới hành tinh. Tinh vân hành tinh hình thành sau khi lõi của ngôi sao lớn bằng Mặt Trời thu nhỏ trong khi các lớp ngoài mở rộng và nguội đi. Trong trường hợp Mặt Trời, lớp vỏ ngoài của nó sẽ mở rộng tới quỹ đạo sao Kim trong vài tỷ năm tới. Ngoài khí nóng, nghiên cứu còn tìm thấy bằng chứng về nguồn tia X ở trung tâm của IC 4593. Sự phát xạ tia X này có năng lượng cao hơn bong bóng khí gas nóng. Nguồn tia X này có thể đến từ ngôi sao đang chết hoặc ngôi sao đồng hành với nó trong hệ.
An Khang (Theo Phys.org)